Nông dân ở phường Tân Hưng, quận Thốt Thốt, TP Cần Thơ luân canh trồng mè trên nền đất ruộng trong vụ hè thu 2020 để tiết kiệm nước tưới nhằm thích ứng điều kiện nắng nóng và khô hạn. Ảnh: VĂN CỘNG
Vĩnh Phong là xã nông thôn vùng sâu của huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang có hơn 3.000 hộ dân với khoảng 12.000 nhân khẩu. Ðến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống mức 2,4%. Ngoài tập trung nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, sự đổi thay mạnh mẽ của Vĩnh Phong có được là nhờ địa phương thực hiện tốt chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp, mà tập trung là phát triển mô hình lúa - tôm. Ông Cô Văn Niệt, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong, cho biết: Những năm gần đây bà con sản xuất theo mô hình trồng 1 vụ lúa nuôi 1 vụ tôm cho năng suất rất cao. Ngoài trồng lúa và nuôi tôm nông dân còn kết hợp nuôi cua. Nhờ vậy mà kinh tế của xã ngày càng phát triển.
Ông Lê Trung Hồ, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Thuận, Kiên Giang nói: Chúng tôi xác định phá thế độc canh cây lúa chuyển sang mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ tôm và xen canh trồng màu. Qua mô hình một vụ lúa 1 vụ tôm đã cho năng suất tốt, giá trị kinh tế tăng lên trên cùng diện tích canh tác”.
Ngành hàng tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ÐBSCL. Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững ngành hàng tôm cần giải quyết ngay các thách thức: yêu cầu cao từ nhà nhập khẩu về chất lượng sản phẩm đòi hỏi người nuôi tôm phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm; nguy cơ ô nhiễm nguồn nước vùng nuôi cũng khiến dịch bệnh trên tôm gia tăng, làm giảm hiệu quả kinh tế của tôm nuôi...
Tại tỉnh Bạc Liêu, một doanh nghiệp đã mạnh dạn khởi xướng mô hình nuôi tôm ao nổi, sử dụng chế phẩm vi sinh do chính đơn vị làm ra để hướng nông dân sản xuất đạt hiệu quả bền vững. Mô hình nuôi tôm theo công nghệ xanh, sử dụng vi sinh xử lý môi trường ao nuôi này cũng là lựa chọn ưu tiên của nông dân. Ông Lê Anh Xuân, Giám đôc Công ty Trúc Anh, Bạc Liêu, cho biết: Quy trình sử dụng các vi sinh, chế phẩm sinh học đối với nông dân bây giờ đã thuần thục. Từ đó, góp phần giảm được rủi ro trong quá trình sản xuất, giảm giá thành con tôm nuôi theo hướng cạnh tranh hơn.
Ðầu tư nuôi tôm theo công nghệ xanh nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn. Với ao nuôi diện tích 300m2 chi phí làm khung, lót bạt và lắp đặt hệ thống cung cấp khí ôxy cho tôm tổng cộng hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng bù lại, chi phí đầu tư bổ sung cho những vụ tiếp theo không nhiều, sản lượng thu hoạch tôm đạt cao, vì có thể nuôi hiệu quả với mật độ dày. Thực tế qua hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong những năm gần đây, Công ty Trúc Anh đã phần nào khẳng định hiệu quả mô hình mang lại. Kỹ sư Phạm Trung Lương, chuyên viên kỹ thuật Công ty Trúc Anh, cho biết, nuôi ao nổi với diện tích nhỏ dễ quản lý hơn. Với hệ thống ao nổi chúng ta loại bỏ chất thải trong quá trình nuôi cũng dễ dàng hơn và chi phí để vận hành điện lưới trong quá trình nuôi cũng giảm đi rất nhiều. Quản lý về sức khỏe tôm, quản lý về môi trường ao nuôi cũng tốt hơn nhiều so với nuôi ao đất và trải bạt.
Ở xã An Ninh, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng, mô hình vườn rau 500m2 trong nhà lưới của anh Danh Giang cho hiệu quả khá tốt với thu hoạch đều đặn hằng ngày khoảng 30kg rau thương phẩm các loại trong điều kiện hạn mặn ảnh hưởng nhiều đến các mô hình sản xuất nông nghiệp khác. Ðây là năm thứ 4, gia đình anh tham gia mô hình trồng rau hữu cơ trong nhà lưới do ngành Nông nghiệp địa phương hỗ trợ 30% chi phí đầu tư ban đầu, tương ứng gần 10 triệu đồng. Các loại rau thu hoạch từ nhà lưới của anh được thương lái thu mua với giá cao hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường từ 5.000-6.000 đồng/kg. Mô hình trồng rau trong nhà lưới với hệ thống tưới phun tự động vừa giảm công sức, vừa tiết kiệm nước. Ðó là giải pháp thích ứng tốt với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hạn mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và gay gắt hơn.
Ông Nguyễn Văn Hận, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, Sóc Trăng, cho biết: Trồng rau trong nhà lưới, năng suất, giá bán cũng cao hơn bên ngoài do quản lý được sâu bệnh, áp dụng hệ thống tưới phun, rau phát triển đồng đều, năng suất cao”.
Mô hình trồng hành tím theo hướng an toàn sinh học của ông Lý Hán Séng ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu cho thu hoạch 15 tấn trên 8 công đất trong vụ hành trước. Vụ này, ước sản lượng có thể tăng cao hơn. Vĩnh Hải là một trong 3 xã điểm, được tỉnh Sóc Trăng triển khai mô hình sản xuất hành tím an toàn theo hướng sinh học trong năm 2019, với quy mô 45,6ha. Theo nhiều hộ nông dân nơi đây, 1 công hành tím bình thường cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng. Tập trung sản xuất hành tím theo hướng an toàn sinh học sẽ cho thu nhập cao hơn. Ðây là thành quả kế thừa từ việc thí điểm mô hình vào năm 2018 tại vùng trồng hành tím nổi tiếng này.
Ths. Ngô Vương Ngọc Bảo Trân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Sản phẩm của các hộ tham gia mô hình sau khi thu hoạch sẽ được đem đi phân tích kiểm tra lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm có đạt yêu cầu về chất lượng không. Nhờ kiểm tra và bảo đảm chất lượng sản phẩm, việc tiêu thụ và giá bán hành tím sản xuất theo hướng sinh học tốt hơn so với hành tím trồng ngoài mô hình. Ðiều quan trọng là nông dân tin vào hiệu quả của mô hình và làm theo, từ đó dần thay đổi tập quán sản xuất cũ. Phát triển nông nghiệp theo hướng canh tác hữu cơ không chỉ tạo ra những mặt hàng nông sản có lợi cho sức khỏe con người mà về lâu dài còn góp phần cải tạo thổ nhưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ các mô hình sản xuất nông sản an toàn, luân canh và đa canh đang phát triển ở ÐBSCL cho thấy xu hướng chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu đang là lựa chọn ưu tiên của bà con nhà nông miền Tây trong những năm gần đây.
HUY HIẾU - DIỆU KHÁNH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)