Vụ Hè thu lúa chín đến đâu, nông dân cần tranh thủ thu hoạch đến đó, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” .
Ngày 8/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến cùng các tỉnh, thành Nam Bộ sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè thu, triển khai sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2021.
Diện tích xuống giống lúa giảm 11 nghìn ha
Báo cáo tại Hội nghị về sản xuất vụ Hè thu 2021, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Tổng diện tích xuống giống lúa vùng Nam Bộ là gần 1,6 triệu ha, giảm 11 nghìn ha so với vụ Hè thu 2020; năng suất ước đạt 56,51 tạ/ha, tăng 1,14 tạ/ha. Sản lượng lúa ước đạt 9,036 triệu tấn, tăng 120 nghìn tấn so với Hè thu 2020.
Diện tích lúa vụ Hè thu giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hằng năm, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng đó là nhu cầu nguồn nước tưới ít hơn so với trồng lúa.
Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, sản xuất trong vụ Hè thu 2021 về cơ cấu giống đúng theo tinh thần chỉ đạo của Cục Trồng trọt. Đó là các giống lúa thơm, đặc sản; lúa chất lượng cao đều tăng; lúa chất lượng trung bình giảm 4,7% so với cùng kỳ và còn 11,5% tổng diện tích gieo cấy.
Theo ông Lê Thanh Tùng, cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản. Đặc biệt, giống lúa thơm ST 24, ST 25 và giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU theo các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới và nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất
Để giảm chi phí sản xuất vụ Hè thu, các địa phương cũng triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền thông qua các chương trình tập huấn, mô hình khuyến nông… Điều này đã giúp nông dân nhận thức và giảm mạnh việc sử dụng khối lượng hạt giống lúa trên 150 kg/ha, giảm 2,21%.
Bên cạnh đó, cơ giới hóa sản xuất cũng tăng lên trong quá trình sản xuất. Điển hình, khâu làm đất bằng cơ giới hóa đạt 100%, thu hoạch bằng máy trên 90%, gieo sạ lúa bằng máy đạt 30%, sấy lúa sau khi thu hoạch 30%. Tuy nhiên, tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu vẫn còn thấp như: cấy lúa bằng máy và chăm sóc, bón phân.
Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo xuất khẩu, ngành nông nghiệp đã ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ trên một đơn vị diện tích. Từ đó, giảm chi phí đầu tư về hạt giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khoảng từ 2-3 triệu đồng/ha tùy từng vùng sản xuất. Việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng đạt trên 75%, giúp năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa tăng, chí phí sản xuất giảm đáng kể. Điều này mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu.
Cục Trồng trọt khuyến cáo, các địa phương cần theo dõi diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa Hè thu để có kế hoạch cụ thể cho vụ Thu đông. Khi bố trí thời vụ cho lúa Thu đông cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa Đông xuân 2021- 2022; chú ý kết thúc xuống giống lúa Thu đông vào ngày 20/8, tối đa là 30/8/2021.
Việc sử dụng những giống lúa cho vụ Thu đông cũng cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Từ vụ Hè thu sang Thu đông cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt để tiêu hủy nguồn bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; tiêu hủy rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân hủy rơm rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ.
Kế hoạch sản xuất vụ Thu đông 2021 vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ gieo sạ 700 nghìn ha; năng suất 55,19 tạ/ha, tăng 0,11 tạ/ha; sản lượng ước đạt 3.864 nghìn tấn. Vụ Mùa 2021, toàn vùng Nam bộ gieo sạ 265 nghìn ha; năng suất 49,58 tạ/ha, tăng 2,59 tạ/ha; sản lượng ước đạt 1.314 nghìn tấn, tăng 71 nghìn tấn.
Tập trung giải pháp hạ giá thành sản xuất
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang kiến nghị thời gian tới, cần khẩn trương kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lương thực tích cực triển khai thu mua sớm cho lúa vụ Hè thu. Bởi lúa Hè thu ở An Giang thu hoạch chính vụ tập trung từ giữa tháng 7 tới giữa tháng 8/2021.
Bên cạnh đó, An Giang cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ ngành có giải pháp căn cơ cho việc tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu một số loại trái cây từ nay tới cuối năm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh phía nam. Điển hình như tại An Giang, thời gian tới dự kiến khoảng 80 nghìn tấn xoài sẽ tới vụ thu hoạch, tuy nhiên giá cả hiện đang có xu hướng giảm và tiêu thụ tiềm ẩn nhiều bấp bệnh…
"Hiện nay, giá vật tư, phân bón các loại cũng đang tăng rất cao, trong khi đó giá cả nhiều loại trái cây và lúa lại đang có xu hướng giảm. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành cần sớm có giải pháp nhằm ổn định, hạ giá vật tư nông nghiệp, bảo đảm đầu tiêu thụ cho các loại nông sản thời gian tới", ông Nguyễn Sĩ Lâm kiến nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị thời gian tới, các tỉnh phía nam, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung bám sát đồng ruộng, đề phòng sâu bệnh hại cuối vụ hè thu. Bởi diện tích lúa Hè thu phía nam hiện mới chỉ thu hoạch khoảng 30% diện tích, phần lớn vẫn đang nằm ngoài đồng, vẫn còn rủi ro.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung thu hoạch dứt điểm các diện tích lúa Hè thu đã tới kỳ thu hoạch, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để đề phòng rủi ro, cũng như giải phóng đất để sản xuất vụ thu đông.
Về sản xuất vụ thu đông 2021 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương căn cứ vào lịch thời vụ của Cục Trồng trọt đối với các trà, các vùng cụ thể, cố gắng xuống giống kết thúc trước 20/8/2021, chậm nhất tới 25/8/2021 để né nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn, tránh được ảnh hưởng của triều cường, lũ lớn…
Căn cứ vào tình hình biến động thị trường giá lúa gạo, giá cả vật tư đầu vào cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long mục tiêu gieo cấy diện tích vụ hè thu xoay quanh 700 nghìn ha (các tỉnh phía nam khác khoảng 65 nghìn ha vụ mùa). Cơ cấu giống, mục tiêu gieo cấy diện tích lúa thơm, đặc sản khoảng 30% tổng diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các giống chủ lực xuất khẩu khoảng 55-60%, hạn chế giống lúa nếp và lúa thường, chất lượng trung bình ở vụ thu đông.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung cho các gói kỹ thuật đồng bộ trong canh tác lúa như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, chương trình IPM… trong canh tác lúa nhằm tiếp tục hạ giá thành sản xuất, chi phí vật tư đầu vào,hướng tới ngành lúa gạo giá trị, bền vững…
THANH TRÀ - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)