Ngày 16-8, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tính đến 15-7, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam đạt hơn 111 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường tăng trưởng mạnh nhất là Trung Quốc với mức tăng 76%, đạt giá trị 37 triệu USD, đứng vị trí thứ 2 sau Mỹ (giá trị hơn 38 triệu USD, tăng 27% do với cùng kỳ năm ngoái).
Thị trường thứ 3 là Nhật Bản với giá trị 24 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản vẫn là nước nhập khẩu nhiều cua và ghẹ nhất của Việt Nam trong khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cũng là nước duy trì được sự tăng trưởng nhập khẩu cua, ghẹ liên tục trong nửa đầu năm 2022.
Cua biển loại 1 của Việt Nam
Các nước châu Âu (EU) cũng gia tăng nhập khẩu cua ghẹ Việt Nam, các nước như Pháp, Bỉ, Hà Lan có mức tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, theo VASEP, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng cua ghẹ đang có xu hướng giảm tốc thời gian gần đây do ảnh hưởng lạm phát tại các thị trường nhập khẩu. Điều này đã khiến người dân thắt chặt chi tiêu hơn, đặc biệt là đối với các sản phẩm có giá trị cao như: cua, ghẹ.
Ghi nhận thị trường trong nước, cụ thể tại TP HCM giá cua, ghẹ tăng liên tục trong những tháng đầu năm, đỉnh điểm là sau dịp lễ 30-4 và 1-5. Đặc biệt, mặt hàng ghẹ bán lẻ tại TP HCM có lúc vượt 1 triệu đồng/kg (loại 2 đến 3 con mỗi kg); một số ngày, có cửa hàng chuyên bánh canh ghẹ phải tạm nghỉ vì thiếu ghẹ. Nguyên nhân do nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung giảm vì ngư dân giảm ra khơi trong khi mặt hàng này chủ yếu khai thác tự nhiên, hàng nuôi không đáng kể.
Mặt hàng cua giá ổn định hơn nhờ có nguồn cua nuôi từ các hộ nông dân nhưng giá khá cao, từ 300.000 – 750.000 đồng/kg tùy chất lượng và kích cỡ.