Cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân sâu xa của đứt gãy nguồn cung xăng dầu thời gian qua. Đó là kiến nghị của ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP), tại tọa đàm “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 6-3.
Là thương nhân phân phối xăng dầu, ông Dũng cho rằng khâu phân phối đang bị "đổ lỗi" khi nguồn cung bị đứt gãy. Theo vị này, nhiều ý kiến cho rằng phân phối là tầng nấc trung gian, làm tăng chi phí và "không có đóng góp nhiều" cho chuỗi cung ứng xăng dầu. Tuy nhiên, ông Dũng đặt vấn đề thương nhân đầu mối cũng nhập hàng từ các nhà máy lọc dầu về bán cho thương nhân phân phối, vậy thương nhận đầu mối có phải là khâu trung gian hay không?
Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ (APP), cho rằng thương nhân phân phối đang bị đổ lỗi. Ảnh: Như Ý
Về hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay, ông Hoàng Trung Dũng cho rằng trong 33 doanh nghiệp đầu mối, chỉ có một số doanh nghiệp minh bạch trong kinh doanh, còn lại phần lớn "lỗ hay lãi" đều không rõ ràng.
"Doanh nghiệp đầu mối nói lỗ nên hộ không nhập được hàng hoặc phải hạ chiết khấu để cân đối, vậy thương nhân phân phối chúng tôi lỗ thì phải làm sao" - ông Dũng nói và nêu tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá là có.
Theo vị này, mỗi lần xảy ra trục trặc nguồn cung, Bộ Công Thương đều chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra tình trạng găm hàng, vậy kết quả kiểm tra ra sao, có bao nhiêu doanh nghiệp vi phạm, đề nghị quản lý thị trường công khai con số. "Nguyên nhân đứt gãy có phải do bán lẻ và phân phối không?" - ông Dũng đặt vấn đề.
Về phía doanh nghiệp bán lẻ, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (ở Lâm Đồng), kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các quy định xác định chính xác lợi nhuận trong chuỗi kinh doanh cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.
Là một tế bào của nền kinh tế thị trường, hoạt động dựa trên các chính sách, chịu sự quản lý của nhà nước, ông Thắng cho rằng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cần được đảm bảo các quyền lợi hợp pháp và chính đáng về cạnh tranh thương mại, về lợi nhuận và được hưởng các ưu đãi từ chính sách nhà nước mang lại.
Ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP HCM) nêu bất cập doanh nghiệp bán lẻ chỉ được ký hợp đồng lấy hàng từ một nhà cung cấp trong khi doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý đều có cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng được lấy xăng dầu nhiều nguồn chồng chéo lẫn nhau. "Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có phá thế độc quyền để cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh xăng dầu tiến tới cơ chế thị trường minh bạch không?"- ông Thật nêu kiến nghị.
Ông Giang Chấn Tây nêu ý kiến tại tọa đàm. Ảnh: Như Ý
Cũng theo ông Thật, trong cơ cấu giá thành có định mức chi phí kinh doanh và chi phí lợi nhuận nhưng không phân chia quy định cho từng khâu tham gia chuỗi cung ứng nên dẫn đến tình trạng khi biến động giá thế giới tăng và kỳ điều hành tăng theo thì các nhà cung cấp (đầu mối lẫn thương nhân phân phối) găm hàng bằng biện pháp chiết khấu bằng 0 đồng hay thông báo nguồn hàng chưa về cảng hoặc chờ lấy mẫu làm cho đứt gãy chuỗi cung ứng đến người tiêu dùng.
Tại tọa đàm, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), nhấn mạnh Bộ Công Thương nói rằng chiết khấu là do "thoả thuận để tạo công bằng, cạnh tranh", tuy nhiên những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự "ban phát" từ doanh nghiệp đầu mối. "Điều doanh nghiệp bán lẻ muốn là sự căn cơ, chứ không phải là sự thất thường này" - ông Tây nói.
Ông Giang Chấn Tây cho rằng quy định hiện hành cho thấy chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức có ghi rõ là bao gồm cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ, nhưng chỉ vì không ghi rõ tỉ lệ phân chia ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng hết phần chi phí này.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước. Ảnh: Như Ý
Về vấn đề chiết khấu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho rằng các ý kiến nêu ra tại tọa đàm đều có ý đúng, nhưng phải đặt ngược lại câu hỏi tại sao trước đây không nêu vấn đề chiết khấu mà gần đây lại nêu ra.
"Chúng ta phải xem bản chất nguyên nhân là gì mà trong khoảng một năm trở lại đây mới nêu ra vấn đề quy định chiết khấu tối thiểu" - ông Trần Duy Đông nói và nhấn mạnh chiết khấu phụ thuộc nhiều yếu tố, cung cầu, cạnh tranh, tài chính doanh nghiệp, tồn kho...
Theo ông Đông, chúng ta phải đặt câu hỏi có nước nào quy định chiết khấu tối thiểu không? "Nhà nước có nên can thiệp hoạt động các doanh nghiệp không? Nếu có thì tỉ lệ bao nhiêu phần trăm là hợp lý, khoa học" - ông Đông nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nếu đưa chiết khấu vào là thể hiện yếu tố tăng thêm chi phí thì giá xăng dầu tăng lên thì quyền lợi người tiêu dùng thế nào, kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng CPI nhà nước làm sao, như vậy có công bằng không trong nền kinh tế...
Ông Đông nhấn mạnh cần xem xét thấu đáo các vấn đề khi sửa đổi quy định. "Câu chuyện chiết khấu các doanh nghiệp có thời kỳ lên 1.500- 2.000/lít, tại sao chúng ta không tính chiết khấu bình quân? Tại sao doanh nghiệp bán lẻ không tìm cách chiết khấu đàm phán hợp đồng" - ông Đông nêu rõ.