Ứng dụng công nghệ kỹ thuật hóa học trong phân tích sản phẩm thực phẩm, sản phẩm công nghệ sinh học tại Khoa CNTP và CNSH. Ảnh: CTV
Nhằm tạo vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, CTUT đã xác định chiến lược áp dụng đào tạo liên ngành, đáp ứng xu thế phát triển hiện nay. NGND.PGS.TS Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng CTUT, cho biết trường đang đẩy mạnh và tăng cường áp dụng đào tạo liên ngành giữa các chương trình đào tạo, với sự phối hợp của các khoa chuyên ngành.
Theo đó, chương trình đào tạo liên ngành được thiết kế giúp sinh viên trang bị các nhóm kỹ năng nghề nghiệp bổ trợ nhau, từ đó sinh viên ra trường có thể tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm và thăng tiến. Ví dụ như kiến thức về kỹ thuật điều khiển tự động hóa, công nghệ thông tin được thiết kế trong chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ kỹ thuật năng lượng, hay kiến thức của ngành Quản lý công nghiệp được thiết kế trong chương trình đào tạo của ngành Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật hóa học...
Một kết quả điển hình trong triển khai thực hiện đào tạo liên ngành là tại Khoa Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sinh học (CNTP và CNSH). Ngoài ngành Công nghệ thực phẩm, Khoa CNTP và CNSH còn phụ trách đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học, ngành Công nghệ sinh học.
Đây là những ngành quan trọng trong các lĩnh vực: dầu khí, vật liệu xây dựng, sơn, y học, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vi sinh vật, tổng hợp vật liệu, chế biến thực phẩm, đồ uống… Việc đào tạo liên ngành còn nhằm đáp ứng sự chuyển dịch toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý trước xu hướng công nghệ 4.0 đang diễn ra. TS Đoàn Thị Kiều Tiên, Trưởng Khoa CNTP và CNSH, cho biết: “Nội dung chương trình đào tạo các ngành trên cũng được thiết kế lại theo hướng chú trọng kiến thức cơ bản, sâu, rộng và tích hợp nhiều môn học giữa các ngành, nhằm nâng cao sức sáng tạo và khả năng thích ứng của sinh viên”. Với định hướng trên, chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm của Khoa CNTP và CNSH đã đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Được thành lập vào tháng 1-2013, CTUT là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP Cần Thơ, thực hiện chức năng đào tạo trình độ đại học các ngành kỹ thuật công nghệ và liên kết, phối hợp đào tạo các ngành phù hợp với yêu cầu cán bộ, nhu cầu học tập của nhân dân. Với sự quan tâm của thành phố, lãnh đạo nhà trường đã tăng cường đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành… đáp ứng yêu cầu hoạt động của một trường đại học chuyên ngành. Hiện nay, trường có trên 92% cán bộ giảng dạy đạt trình độ sau đại học. Sau 8 năm hoạt động, trường đã cung cấp gần 1.500 kỹ sư cho TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL và cả nước.
Trên cơ sở đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục năm 2020; định hướng từ nay đến năm 2025 tập thể CTUT tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới giáo dục theo hướng hội nhập quốc tế. TS Đỗ Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh: Tập thể nhà trường tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển cơ sở vật chất phục vụ tốt công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học; đồng thời, mở rộng hợp tác trong và ngoài nước, hoàn thiện công tác kiểm định chất lượng, góp phần làm nền tảng vững chắc, tạo thế và lực để trường vận hành xứng tầm là trường đại học kỹ thuật - công nghệ của vùng.
Năm 2021, CTUT tuyển 1.330 sinh viên cho 20 ngành đào tạo trình độ đại học: Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Quản lý xây dựng, Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ kỹ thuật điện, Điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; và 5 ngành mới là Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Công nghệ kỹ thuật hóa học, Quản trị kinh doanh, Kế toán sản xuất và Ngôn ngữ Anh. Thí sinh có thể tìm hiểu thông tin của các ngành tại: https://tuyensinh.ctuet.edu.vn/.
B.KIÊN - (baocantho.com.vn)