Vinaincon lừng danh một thời, nay lâm vào tình trạng kinh doanh bết bát (Ảnh minh họa)
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 đã được kiểm toán, doanh thu của Vinaincon đạt hơn 4.280 tỷ đồng, giảm 850 tỷ đồng so với năm 2016. Nguyên nhân được xác định là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ giảm từ hơn 5.110 tỷ đồng xuống còn gần 4.280 tỷ đồng, khiến cho khoản lỗ của doanh nghiệp này trong năm 2017 là 54 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2017, số lỗ lũy kế của Vinaincon là hơn 870 tỷ đồng, chưa bao gồm khoản chênh lệch tỷ giá các khoản vay tại cùng thời điểm là gần 159 tỷ đồng và một số khoản chi phí khác.
Cũng theo báo cáo của Vinaincon, số vốn chủ sở hữu bị âm khoảng 39,4 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả lên tới con số gần 6.328 tỷ đồng. Tổng số vốn mà công ty mẹ - Vinaincon đã đầu tư vào các doanh nghiệp thành viên, công ty liên doanh, góp vốn vào đơn vị khác là 556,3 tỷ đồng.
Trong số tiền đầu tư đó, Vinaincon đã đầu tư vượt vốn điều lệ là 6 tỷ đồng với số tiền vào 12 công ty con là hơn 473 tỷ đồng, 8 công ty liên kết là gần 54,3 tỷ đồng, còn lại là đầu tư dài hạn là 28,8 tỷ đồng.
Báo cáo giám sát mới đây của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2017 của Vinaincon không hiệu quả, thua lỗ, không bảo toàn được vốn Nhà nước cũng như của chính Vinaincon đầu tư tại doanh nghiệp.
Một số dự án mà Chính phủ giao cho Vinaincon làm chủ đầu tư như Dự án Nhà máy xi măng Thái Nguyên, Công ty Xi măng Quang Sơn… với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng… Tuy nhiên, đến nay tình hình sản xuất, kinh doanh này đều bết bát và kém hiệu quả.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán thì Xi măng Quang Sơn có doanh thu năm 2017 giảm hơn so với năm 2016 tới 30,9%, tức giảm hơn 258 tỷ đồng. Số lỗ trong năm vào khoảng 175 tỷ đồng, chưa tính chênh lệch tỷ giá và các khoản chi phí khác.
Tính đến thời điểm cuối năm 2017, số lỗ của Xi măng Quang Sơn lên tới 1.145 tỷ đồng, vượt vốn đầu tư chủ trở hữu gần 945,6 tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả là hơn 3.910 tỷ đồng. Như vậy, Vinaincon đã mất toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty Xi măng Quang Sơn.
Theo Bộ Tài chính, thời điểm hiện tại, Xi măng Quang Sơn đã mất cân đối tài chính nghiêm trọng, không có khả năng cân đối được nguồn trả nợ cả gốc và lãi vay cho các tổ chức tín dụng. Trong đó, vay của BIDV khoảng trên 350 tỷ đồng, ngân hàng VDB khoảng 961 tỷ đồng…
Từ các kết quả trên, Bộ Tài chính đề nghị đánh giá lại hiệu quả đầu tư Dự án Nhà máy Xi măng Thái Nguyên do Vinaincon đầu tư vì đến nay chưa phát huy hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không có khả năng trả nợ. Cơ quan này cũng yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong quá trình đầu tư, quản lý và vận hành dự án dẫn đến thua lỗ mất hết vốn đầu tư của Vinaicon.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân tập thể đối với tình hình kinh doanh, thua lỗ, đầu tư không hiệu quả tại Vinaincon; Đồng thời xây dựng các giải pháp tái cơ cấu Xi măng Quang Sơn một cách có hiệu quả hơn.