Cuộc họp có sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ Bộ Xây dựng, Văn phòng JICA tại Việt Nam và các chuyên gia Nhật Bản.
Để lập kế hoạch chi tiết cho “Dự án tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng” phù hợp nhất cho việc triển khai dự án, đoàn khảo sát của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã làm việc cùng Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan để thu thập thông tin, trao đổi ý kiến, thảo luận và lập kế hoạch khung triển khai dự án.
Mở đầu chương trình, Trưởng đoàn khảo sát Shuntaro Kawahara và các thành viên của JICA đã trình bày khái quát dự thảo khảo sát chi tiết lập dự án với mục tiêu tổng thể là cải thiện hệ thống dự toán chi phí công trình sử dụng vốn công ở Việt Nam và tăng cường năng lực của Bộ Xây dựng trong việc cải thiện hệ thống dự toán chi phí công trình sử dụng vốn công.
Dự án sẽ có 5 đầu ra. Trong đó, đầu ra 1 và đầu ra 2 sẽ tập trung cải thiện dự toán chi phí trực tiếp, cụ thể là tăng cường năng lực về lập định mức năng suất thi công về vật liệu, nhân công, máy móc và tăng cường năng lực về lập đơn giá vật liệu, nhân công, máy móc.
Trưởng đoàn khảo sát Shuntaro Kawahara (thứ 2 từ phải sang) trình bày khái quát dự thảo khảo sát chi tiết lập Dự án.
Đầu ra 3 sẽ cải thiện dự toán chi phí gián tiếp bằng cách tăng cường năng lực về lập dự toán chi phí gián tiếp. Đầu ra 4 sẽ tập trung tăng cường năng lực về lập định mức khảo sát, thiết kế và quản lý dự án để cải thiện dự toán chi phí thiết kế, quản lý dự án. Đầu ra 5 sẽ cải thiện hệ thống dự toán bằng cách tăng cường năng lực cải thiện hệ thống và quy trình lập dự toán.
Nội dung của 5 đầu ra là khác nhau, nhưng cách thức thực hiện sẽ giống nhau, bao gồm 4 công việc: Rà soát và nắm được tiến trình thực hiện Đề án 2038/QĐ-TTg về hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; lập phương pháp xây dựng định mức về năng suất, đơn giá...; Lập quy trình thực hiện khảo sát thực tế và thí điểm ở một số công trình; Triển khai đào tạo cho các đối tượng có liên quan đến quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng.
Dự thảo cũng đã nêu ra cơ cấu tổ chức thực hiện Dự án, bao gồm 2 bên Nhật Bản và Việt Nam. Đối tác chính là Cục Kinh tế xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng và Học viện cán bộ quản lý xây dựng & đô thị (AMC). Các cục, vụ thuộc Bộ Xây dựng, các Sở Xây dựng và các đơn vị tư vấn, nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đã góp ý về cơ cấu tổ chức thực hiện, đề nghị thêm Cục Quản lý hoạt động xây dựng và Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng hỗ trợ cơ quan chủ đạo Cục Kinh tế xây dựng về mặt quản lý Nhà nước.
Về cơ quan nghiên cứu, Viện Kinh tế xây dựng sẽ đóng vai trò cơ quan chủ đạo, phối hợp với Viện Khoa học công nghệ Bộ xây dựng và Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Về công tác đào tạo, ngoài Học viện AMC, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đề nghị bổ sung trường Đại học Xây dựng và Đại học Kiến trúc. Những cơ quan liên quan cũng cần bổ sung cơ quan xây dựng chuyên ngành của các Bộ khác như Bộ GTVT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công An, Bộ Quốc phòng...
Về cơ bản, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh nhất trí với nội dung của 5 đầu ra, nhưng đề nghị tăng cường công tác khảo sát thực tiễn. Thứ trưởng nhấn mạnh, kết quả của Đề án sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc Bộ Xây dựng rà soát và sửa chữa Luật Xây dựng theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội Việt Nam.
Do khối lượng công việc của Dự án rất lớn, nhưng kinh phí lại hạn chế nên Thứ trưởng đã bày tỏ mong muốn Chính phủ Nhật Bản sẽ tạo điều kiện cho các chuyên gia Nhật hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Về cơ bản, phía Nhật Bản đồng ý với các bổ sung của Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh, nhưng Ban chỉ đạo chung không nên mở rộng quá nhiều đối tượng vì thành viên của Ban chỉ đạo chung phải thực sự hiểu rõ về đường hướng của Dự án và những đơn vị khác chỉ nên đóng vai trò quan sát, đóng góp ý kiến.
Về phía Cục Kinh tế xây dựng, Cục trưởng Phạm Văn Khánh cho biết, khi dự án được triển khai, cơ chế và nội dung quản lý các chi phí dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam sẽ được hoàn thiện theo cơ chế thị trường.
Cục trường Phạm Văn Khánh nhận định, 5 đầu ra của Dự án mới và kết quả của Dự án CCQS sẽ giúp Việt Nam quản lý chi phí dự án đầu tư xây dựng một cách toàn diện, hiệu quả, tuân cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, theo đúng mục tiêu của Đề án 2038 do Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Dự thảo cơ cấu tổ chức thực hiện của Dự án tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý Nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng.
Trong hai ngày 6/8 và 7/8, đoàn khảo sát Nhật Bản sẽ thảo luận với Cục Kinh tế xây dựng và Viện Kinh tế xây dựng về biên bản cuộc họp, chuẩn bị cho việc ký kết biên bản cuộc họp và biên bản ghi nhớ vào ngày 8/8 với sự tham dự của Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh.