“Đau đầu” vì giá cát tăng?

Thứ tư, 21 Tháng 8 2019 12:53 (GMT+7)
Giá cát trên cả nước đang tiếp tục tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xây dựng và các công trình đang thi công. Nguyên nhân được xác định là do lượng cát ở các dòng sông giảm, bởi đập thủy điện, thủy lợi làm hạn chế bồi đắp, đồng thời các hoạt động khai thác đang được giám sát chặt khiến giá tăng cao.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Khảo sát tại Hà Nội cho thấy, giá cát đen dùng để san lấp được là 200.000 đồng/m3. Cát xây, trát có giá 280.000 đồng/m3. Cát vàng để đổ bê tông là 410.000 đồng/m3.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá cát quý II tại khu vực miền Bắc khoảng 218.000 đồng/m3, tăng 9.500 đồng/m3; khu vực miền Trung khoảng 208.000 đồng/m3 tăng 20.000 đồng/m3; khu vực miền Nam khoảng 435.000 đồng/m3, tăng 10.000 đồng/m3. Nguyên nhân tăng giá cát trong quý II/2019 là do vào mùa cao điểm xây dựng nên nhu cầu tăng; trong khi đó nguồn cung hạn chế, chi phí vận chuyển tăng do giá xăng dầu tăng.

Tuy nhiên, tại TP Hồ Chí Minh, giá cát lại có diễn biến rất khác. Cụ thể, tại một điểm bán cát tại quận 12, chủ cửa hàng giới thiệu loại cát vàng dùng để xây dựng hiện có giá lên đến 1,7 triệu đồng/xe 4,4 m3, khoảng 400.000 đồng/m3. So với cùng kỳ năm ngoái, mỗi xe cát tăng 500.000 đồng. Tương tự, cát đen dùng để san lấp hiện lên đến 1,15 triệu đồng/xe 4,4 m3, trong khi giá năm ngoái khoảng 900.000 đồng/xe.

Trong khi đó, tại khu vực quận 9, giá cát vàng xây dựng được bán với giá 350.000 đồng/m3, cát xây tô có giá 280.000 đồng/m3, cát san lấp là 270.000 đồng/m3, tùy quãng đường vận chuyển.

Đại diện một doanh nghiệp xây dựng tại quận Thủ Đức thì cho biết, hiện tại, khu vực nào giá cát cũng tăng. Nhưng ở khu vực quận Bình Tân, quận 12, huyện Hóc Môn, có giá cao hơn khu vực dưới quận 9, Thủ Đức, quận 2. Nguyên nhân bởi khoảng cách xa nên chi phí vận chuyển cát từ Đồng Nai lên cũng cao hơn. Khan hiếm cát xây dựng đã làm chi phí xây nhà cụ thể là giá xây dựng phần thô tăng lên khoảng 15%. Chưa kể, trước đây khi lấy vật liệu thường thanh toán gối đầu nhưng nay muốn mua cát phải thanh toán tiền trước. Điều này đang làm đau đầu các chủ đầu tư khi tính toán lợi nhuận.

Lý giải việc giá cát tăng nhanh như hiện nay, theo ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay có 49/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã cấp phép khai thác gần 692 triệu m3. Sản lượng khai thác này chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% nhu cầu xây dựng. Hiện nay, trữ lượng cát của cả nước chỉ có khoảng hơn 2 tỷ m3. Trong khi đó, nếu sử dụng cát như hiện nay thì đến 2020, nước ta sẽ không còn cát để đáp ứng nhu cầu xây dựng.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, nguồn cát trên thị trường hiện nay là do các chủ tàu hút từ các nhánh sông Đồng Nai, Sài Gòn… Sau đó, các đầu nậu thu gom lại và vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh bán cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, gần đây các địa phương như: Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và cả Long An đều tuyên bố mạnh tay với “cát tặc”, trong đó tỉnh Đồng Nai xử lý mạnh tay nhất với hàng loạt vụ xử lý.

Đồng Nai cũng là tỉnh có nguồn cát lớn nhất cung cấp cho thị trường xây dựng TP Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh, thành phố lân cận khác nên nguồn cung khan hiếm đẩy giá nguyên liệu này tăng theo tuần.

Ngoài việc chính quyền mạnh tay xử lý “cát tặc” thì do đang trong mùa xây dựng, cộng thêm giá các vật liệu xây dựng đều tăng, có loại tăng gần gấp đôi nên giá cát xây dựng năm nay cũng được điều chỉnh tăng tương ứng. Chưa kể giá nguyên liệu vận chuyển và giá điện cũng tăng nên các đại lý phải điều chỉnh giá bán.

Trước thực trạng đó, theo Bộ Xây dựng, việc đưa ra các biện pháp để hạn chế dùng cát làm vật liệu san lấp, sử dụng vật liệu thay thế cát để san lấp là tro, xỉ, thạch cao, đất… mới là giải pháp căn cơ lâu dài. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ ban hành tiêu chuẩn về loại vật liệu này.

“Việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức cho việc sử dụng các vật liệu này là việc Bộ Xây dựng cũng đã biết và đang chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, các bước cũng phải có giai đoạn nhất định để theo kịp được tình huống của thị trường. Đây là vấn đề Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu sử dụng các vật liệu thay thế cát tự nhiên”, ông Bắc cho biết.

Viễn Phong - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng