Một số thông tin về việc khai thác đá tại nhà máy xi măng Hải Phòng

Thứ sáu, 30 Tháng 8 2019 12:40 (GMT+7)
Tuần qua, nhiều cơ quan thông tin đại chúng quan tâm đến nhà máy xi măng Hải Phòng trong việc khai thác đá vôi ở mỏ Tràng Kênh, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Từ thông tin phản ánh của một số một số phóng viên, trên cơ sở báo cáo giải trình của nhà máy xi măng Hải Phòng và một số tài liệu hiện có từ các bộ, ngành, chúng tôi có thể tổng hợp vụ việc như sau.

Nhà máy xi măng Hải Phòng được khởi công xây dựng ngày 25/12/1899. Đây là nhà máy xi măng đầu tiên ở Đông Dương, cái nôi của ngành Xi măng Việt Nam, nơi hình thành giai cấp công nhân Việt Nam, nơi thành lập cơ sở Đoàn (tháng 6/1929), cơ sở Đảng (tháng 8/1929). Tính đến năm 2019, nhà máy này đã tròn 120 tuổi.

Về nguồn nguyên liệu đá vôi sản xuất cho nhà máy

Nguồn đá vôi để cung cấp cho nhà máy sản xuất xi măng được khai thác từ mỏ Tràng Kênh theo Giấy phép khai thác số 134/ĐV-93 ngày 8/4/1993 với trữ lượng 41,275 triệu tấn, diện tích 81ha, khai thác đến cốt 00m. Theo quyết định số 1773/QĐ-UB ngày 13/10/1998, nhà máy xi măng Hải Phòng đã bàn giao cho nhà máy xi măng Chinfon 27,8ha với phần lớn núi đá vôi phần nổi.

Để đảm bảo môi trường thành phố và thực hiện theo quy hoạch thành phố. Ngày 29/11/1997, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1019/TTg phê duyệt đầu tư nhà máy xi măng Hải Phòng mới tại Tràng Kênh, công suất lò 3.300 tấn clinker/ngày tương ứng 1,4 triệu tấn xi măng/năm. Nguồn nguyên liệu đá vôi được khai thác xuống sâu đến cốt -10m.

Để đảm bảo nguồn đá vôi cho nhà máy sản xuất lâu dài, năm 2010, nhà máy đã lập hồ sơ xin cấp đổi giấy phép khai thác phần nổi và xin cấp phép bổ sung phần sâu khai thác mỏ đá vôi Tràng Kênh. Sau khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phần nổi, do trữ lượng phần nổi không đáp ứng cho nhà máy, ngày 19/6/2016, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã có Văn bản số 1475/ĐCKS-KS hướng dẫn nhà máy lập hồ sơ xin cấp phép gộp chung cả trữ lượng phần nổi còn lại với trữ lượng phần sâu. Nhà máy đã hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật: Phê duyệt dự án, phê duyệt ĐTM, CTM, chủ trương đầu tư… Ngày 17/6/2019, nhà máy đã nộp đủ hồ sơ và đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cấp phép bổ sung.

Về việc thi công hồ lắng xuống sâu

Trong quá trình khai thác phần nổi, nhà máy đã thi công hồ lắng xuống dưới cốt 00m, diện tích 1,7ha trên tổng diện tích 81ha về việc này, nhà máy cho rằng:

Phần nổi đã được khai thác trên toàn diện tích mặt bằng xuống gần cốt cho phép 00m, dẫn đến phải thi công công trình bảo vệ môi trường hồ lắng thu gom nước mạch theo yêu cầu của báo cáo cải tạo phục hồi môi trường (CTM) số 2170/QĐ-BTNMT ngày 11/12/2012; báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) số 973/QĐ-BTNMT ngày 03/5/2017 và giấy phép xả nước thải số 672/GP-UBND ngày 02/4/2018.

Cũng theo nhà máy, mỏ đá vôi Tràng Kênh có 3 mặt giáp sông cách từ 100 – 300m; nên cần đánh giá tác động thủy văn trước khi khai thác sâu. Vì vậy cần thi công tạo hồ thử nghiệm xuống độ sâu cần thiết nhằm đánh giá thực tế mức xâm nhập của nước sông, khả năng tháo khô mỏ, quyết định cao độ thiết kế các tầng khai thác cho hợp lý. Về việc này, Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hải Phòng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính lỗi khai thác xuống sâu dưới mức cho phép. Nhà máy đã chấp hành và không tiếp tục thực hiện hành vi này.

Về vấn đề an toàn môi trường

Cũng theo giải trình của nhà máy, quá trình khai thác mỏ đá vôi Tràng Kênh nhà máy luôn tuân thủ các quy trình, quy phạm khai thác cắt tầng đảm bảo an toàn về nổ mìn, vận chuyển, đảm bảo môi trường về bụi, tiếng ồn, thoát nước theo ĐTM, CTM và giấy phép xả nước thải sinh hoạt không ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Theo số liệu quan trắc môi trường 6 tháng đầu năm 2019 do tư vấn thực hiện đều nằm trong quy chuẩn cho phép như: Nồng độ bụi 166/300 ug/m3; CO 200/300 ug/m3; N02 82 – 92/200 ug/m3; SO2 65 – 82/350 ug/m3; tiếng ồn 66 – 82/85dBA.

Việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN)

Theo báo cáo của nhà máy và tài liệu hiện có: Nhà máy được phép sử dụng VLNCN theo giấy phép số 24/GP-ATMT ngày 23/5/2016 có hiệu lực đến hết 15/7/2021.

Khai trường khai thác có phạm vi bán kính khoảng 300m không có công trình nhà cửa dân cư, đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển và tiêu hủy VLNCN số QCVN 02:2008/BCT.

Về nghĩa vụ tài chính

Cũng theo báo cáo của nhà máy và tài liệu hiện có, nhà máy đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định: Tiền sử dụng số liệu thông tin về kết quả đánh giá khoáng sản 1,027 tỷ đồng; ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường 9,685 tỷ đồng; toàn bộ lượng đá vôi khai thác hàng năm (kể cả phần thu hồi thi công hố lắng sâu) chỉ sử dụng cho sản xuất xi măng; đã được kê khai nộp tiền thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và đã được cơ quan thanh tra kiểm tra xác nhận (năm 2016: 12,08 tỷ đồng; năm 2017: 18,59 tỷ đồng; năm 2018: 16,52 tỷ đồng).

Trên đây là những vấn đề chính xin được thông tin một cách tương đối đầy đủ để bạn đọc và các cơ quan truyền thông biết để có những nhận định chuẩn xác, có cách nhìn đúng đắn về nhà máy xi măng Hải Phòng đối với các vấn đề đã nêu.

Dù sao những người lãnh đạo của nhà máy này cũng cần tiếp thu và khắc phục ngay những vấn đề tồn tại mà các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu, đặc biệt trong việc thực hiện quyết định sử phạt của Sở Tài nguyên & Môi trường TP Hải Phòng.

Người viết bài báo cho rằng: Đá vôi là một nguồn nguyên liệu chính chiếm đến trên dưới 90% nguồn nguyên phục vụ cho sản xuất xi măng hiện nay đang dần cạn kiệt. Mà xi măng là một loạt vật liệu chính phục vụ cho việc xây dựng các công trình không những của Việt Nam mà còn của cả thế giới, nó là nhu cầu luôn luôn tăng theo từng năm và rất lâu dài khi thế giới chưa tìm ra một loại nguyên liệu mới để thay thế xi măng. Việc khai thác đá vôi ở Việt Nam đang tạo ra một mâu thuẫn giữa việc phát triển ngành công nghệ xi măng và bảo vệ cảnh quan môi trường phục vụ cho công nghiệp du lịch.

Như vậy, việc tận thu ở một mỏ đá vôi là vấn đề cần sớm được đặt ra, nó có thể khai thác dưới độ sâu 10m như Thủ tướng cho phép, thậm chí độ sâu này còn sâu hơn rất nhiều nếu như xét thấy nó không ảnh hưởng đến kiến tạo địa chất khu vực và những vấn đề khác về môi trường xung quanh. Tuy nhiên, việc này phải được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Với nhà máy xi măng 120 tuổi đời, với dây chuyền công nghệ trên khu đất mới sau khi di chuyển theo quyết định của Thủ tướng, ngay những tháng đầu, năm đầu nhà máy đi vào hoạt động đã đảm bảo theo công suất thiết kế. Điều này là rất hiếm. Phải nói đây là một sự cố gắng lớn của lãnh đạo nhà máy và hàng ngàn lao động ngày đêm làm việc trong nhà máy này.

Mong rằng các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, Trung ương theo chức năng và nhiệm vụ của mình cùng chung tay tháo gỡ những khó khăn mà nhà máy đang gặp phải để không những tạo điều kiện cho ngành Xi măng Việt Nam phát triển ổn định, an toàn mà còn vì trách nhiệm đối với đời sống của hàng ngàn người lao động dù là nhà máy chỉ ngừng hoạt động một ngày.

Duy Nguyên - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng