Bộ Công thương khẳng định, sau khi điều tra phát hiện có hành vi bán phá giá của các nhà sản xuất thép không gỉ cán nguội (còn gọi là thép inox) nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan, ngày 5-9-2014, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 7896/QĐ-BCT áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép không gỉ từ các thị trường này nhập khẩu vào Việt Nam.
Dẫn số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, Bộ Công thương cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 10 doanh nghiệp sản xuất thép không gỉ cán nguội cán phẳng dạng cuộn, tấm. Trong khi theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sau khi biện pháp CBPG được áp dụng đến nay, thép inox vẫn tiếp tục được nhập khẩu từ 4 thị trường bị áp thuế cũng như từ các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.
Như vậy, người sử dụng thép inox tại Việt Nam vẫn có nhiều sự lựa chọn khác nhau ngoài nguồn sản xuất trong nước. Sau khi áp dụng biện pháp CBPG, ngành sản xuất trong nước bắt đầu phục hồi và dần tăng trưởng. Nếu không có biện pháp CBPG, với việc hàng nhập khẩu gia tăng ồ ạt vào Việt Nam thì ngành sản xuất trong nước khó có thể tồn tại và phát triển. Thị trường thép không gỉ cán nguội của Việt Nam trước đây chỉ có sự tham gia của Công ty Posco cùng một số công ty quy mô nhỏ khác, nay đã bắt đầu có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.
Cho tới nay, việc điều tra, áp dụng biện pháp CBPG tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định của WTO và cần thiết giúp duy trì môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn, cả sản xuất trong nước và nhập khẩu.