Thị trường VLXD đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các loại hàng giả, hàng kém chất lượng có xuất xứ không rõ ràng.
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin: Hiện nay, tình trạng các mặt hàng VLXD không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, gian lận thương mại từ Trung Quốc “đội lốt” các thương hiệu chính hãng của Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đang ngày càng diễn ra phổ biến. Các mặt hàng này có giá rẻ hơn nhiều so với các mặt hàng chính hãng và có mẫu mã, màu sắc đa dạng, bắt mắt, khó phân biệt; đặc biệt là các mặt hàng thiết bị vệ sinh như bồn tắm, bồn massage, vòi nước, chậu rửa, cửa nhựa... được làm nhái của các thương hiệu nổi tiếng như Toto, Inax, Kohler, Ceasar, American.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại một số tuyến phố chuyên về VLXD như Cát Linh, An Trạch, Hoàng Quốc Việt… Một trong những sản phẩm thiết thực và “ngốn” không ít tiền của người tiêu dùng là thiết bị vệ sinh. Tham khảo thị trường sứ vệ sinh, dễ dàng nhận thấy sự phân chia thị trường thành các tầng sản phẩm khá cách biệt.
Những người có thu nhập cao thường lựa chọn những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc như: Ceasar, American Standard, Inax… có giá thành tương đối cao từ vài chục triệu đến vài trăm triệu một bộ sản phẩm. Những sản phẩm “thuần Việt” như Viglacera, Thiên Thanh, Dolacera... có giá phải chăng, như một bộ sản phẩm thiết bị vệ sinh của Viglacera có giá từ 8 – 10 triệu một bộ, được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
Hàng Việt Nam tuy có ưu điểm về giá rẻ, song ưu điểm này cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng Trung Quốc, khi thị trường lại đang tràn ngập hàng sứ vệ sinh dạng này với kiểu dáng đẹp, hiện đại và giá hợp lý.
Liên quan đến các hoạt động trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với một số loại VLXD, Báo điện tử Xây dựng đã có nội dung trao đổi với Tổng cục Hải quan.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng từ đầu năm 2019 một số mặt hàng VLXD như: Sứ vệ sinh các loại được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Nhật, Đức; kính được nhập khẩu chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Italy… Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc luôn chiếm giá trị cao nhất.
Đối với việc phát hiện, bắt giữ các mặt hàng VLXD như sứ vệ sinh, kính không rõ nguồn gốc nhập lậu vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan cho biết: Từ tháng 10/2018 đến nay, lực lượng kiểm soát hải quan trong toàn Ngành đã bắt giữ, xử lý 07 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại sứ vệ sinh, kính dán và vật liệu xây dựng kém chất lượng từ Trung Quốc tập trung ở các địa bàn như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng.... Trong đó, đã khởi tố hình sự 01 vụ, xử lý hành chính 06 vụ.
Thực trạng VLXD bị “bủa vây” bởi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng lớn đến lòng tin, uy tín của nhiều thương hiệu sản xuất VLXD có tiếng trong nước. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Viglacera – CTCP cho biết: Trong thời gian qua, tình hình sản xuất VLXD của Cty luôn được duy trì ổn định, an toàn. Tuy nhiên công tác tiêu thụ đang gặp khó khăn do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm, đặc biệt gặp khó khăn trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Kể từ năm 2016, các sản phẩm sứ vệ sinh được nhập khẩu ồ ạt từ Trung quốc với số lượng lớn và giá bán rất thấp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước nói chung và bản thân Tổng Cty Viglacera nói riêng.
Số lượng thiết bị vệ sinh nhập khẩu năm 2018 là gần 900,000 sản phẩm (chiếm hơn 40% thị phần tiêu thụ trong nước). Ước tính số lượng nhập khẩu của năm 2019 có thể lên đến 1,200,000 sản phẩm. Hơn nữa, đa số sản phẩm nhập khẩu từ Trung quốc đều có giá bán rất thấp, thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất trong nước, đặc biệt có sự chênh lệch rất lớn giữa giá khai báo hải quan và giá nhập thực tế. Tuy nhiên các sản phẩm này đều không có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng nên gây ảnh hưởng lớn tới lợi ích người tiêu dùng.
Thêm nữa, đại chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến hàng Trung Quốc tràn qua Việt Nam. Sự đổ bộ ồ ạt này sẽ càng gây khó khăn hơn đối với hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy, công ty trong nước vốn phải chật vật cạnh tranh hàng giá rẻ Trung Quốc lâu nay. Đáng lo ngại nhất đối với những dòng VLXD chính hãng nội địa là tình trạng các dòng sản phẩm thiết bị vệ sinh Trung Quốc làm nhái nhãn mác và thương hiệu thiết bị vệ sinh chính hãng như thương hiệu khá nổi tiếng thế giới. Một khi nền sản xuất trong nước lao đao, Nhà nước cũng bị thất thu, dẫn đến nhiều hệ lụy khác trong nền kinh tế Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất tại nhà máy kính nổi Viglacera và nhà máy kính tiết kiệm năng lượng Viglacera sử dụng 100% nhiên liệu sạch (khí CNG) thay thế dầu Fo để đảm bảo môi trường xanh gắn với phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Viglacera – CTCP chia sẻ thêm: Viglacera hiện đang sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại với công nghệ Italy (Sứ) và Đức (Kính), sản phẩm luôn đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của Châu u và Việt Nam. Cùng với đó, thương hiệu Viglacera là thương hiệu mạnh ở trong nước, luôn đạt các giải thưởng lớn của Quốc gia như Thương hiệu Quốc gia, Thương hiệu mạnh, Chất lượng Quốc gia...
Do vậy, trên thị trường hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao các sản phẩm thiết bị vệ sinh Viglacera từ bồn cầu, bồn tiểu, lavabo, đến các loại vòi chậu và phụ kiện phòng tắm đều có chất lượng cực kì đảm bảo. Thiết bị vệ sinh Viglacera đủ tốt, đảm bảo chất lượng sử dụng, độ bền cũng như mẫu mã, kiểu dáng đẹp mắt, cơ bản, đơn giản nhưng hiện đại, bên cạnh đó đảm bảo về mức kinh phí phù hợp. Với sản phẩm kính Viglacera hiện đang được đánh giá có chất lượng tốt nhất thị trường hiện nay, sản phẩm luôn tạo được hiệu quả cao cho các nhà gia công kính. Sản phẩm tích hợp các ưu điểm vượt trội và bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng
Mặc dù vậy, với việc sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc đã đánh trúng phân khúc tâm lý hàng Việt Nam tốt hơn hẳn hàng giá rẻ Trung quốc nhưng khả năng cạnh tranh còn yếu vì tâm lý cũng như hiểu biết của người tiêu dùng còn chưa cao, thể chể chính sách của Việt Nam chưa hoàn thiện, chất lượng nguồn lao động thấp.
Đối với những “vấn nạn” hàng giả, hàng kém trong các sản phẩm VLXD đang được tiêu thụ trên thị trường và vai trò của Hải quan trong việc này như thế nào? Tổng cục Hải quan cho biết: Với quyết tâm “tích cực, chủ động” trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát Hải quan, nòng cốt là Cục Điều tra chống buôn lậu, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp. Cụ thể như sau:
Hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý liên quan đến công tác quản lý nhà nước về Hải quan, đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động của lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành.
Cải cách, hiện đại hóa phương thức kiểm soát hải quan, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, đảm bảo kịp thời phân tích thông tin, xác định trọng điểm, chủ động phòng ngừa, đấu tranh triệt để với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, qua đó hỗ trợ đắc lực cho lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật Hải quan.
Xây dựng các kế hoạch định kỳ, kế hoạch chống buôn lậu trong các giai đoạn cao điểm, tại những tuyến địa bàn nổi cộm, tập trung vào những mặt hàng trọng điểm; Ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo toàn ngành, tập trung vào các phương thức, thủ đoạn mới, các hiện tượng nóng, nổi cộm.
Đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, đảm bảo xây dựng và hình thành được cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin chặt chẽ, thông tin sớm, đồng bộ, từ trong ngành đến ngoài ngành, từ trong nước đến quốc tế, phục vụ hỗ trợ đắc lực, kịp thời, hiệu quả công tác nghiệp vụ.
Tăng cường thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các địa bàn trọng điểm; tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ Hải quan để chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan.
Bên cạnh đó, để triển khai các biện pháp trong việc kiểm tra các mặt hàng xuất nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm, rủi ro (trong đó có mặt hàng VLXD nhập khẩu), Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong đó có Cục Kiểm tra sau thông quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về tham mưu chỉ đạo công tác kiểm tra sau thông quan, chủ động tăng cường công tác thu thập thông tin, phân tích dữ liệu trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro những mặt hàng có dấu hiệu vi phạm, mặt hàng rủi ro…để đề xuất kiểm tra sau thông quan các doanh nghiệp theo quy định.
Dù các lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, việc để các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất sứ, đặc biệt là VLXD lậu tràn lan trên thị trường cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ hơn từ phía các cơ quan chức năng.