Thị trường xi măng cuối năm 2019: Không có đột biến

Thứ ba, 19 Tháng 11 2019 11:03 (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội xi măng, thị trường xi măng cuối năm 2019 tiếp tục duy trì mức tăng đều. Toàn ngành Xi măng sẽ chạm mốc xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn và tiêu thụ trong nước từ 69 - 70 triệu tấn xi măng như mục tiêu đề ra.
thi truong xi mang cuoi nam 2019 khong co dot bien
Ảnh minh họa.
Tiêu thụ duy trì mức tăng đều
TS. Nguyễn Quang Cung phân tích: Quý III hàng năm thường mưa bão, thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng. Nhưng năm 2019 này, thời tiết ít mưa bão nên hoạt động xây dựng ít bị ảnh hưởng, tiêu thụ xi măng trong 3 tháng 7, 8, 9 vẫn duy trì ở mức tốt. Tiêu thụ cuối năm cũng không có đột biến. Dự báo, tình hình xuất khẩu ổn định, không tăng cao hơn năm 2018 nhưng xuất khẩu xi măng trong năm 2019 có thể vượt mục tiêu đề ra.
 
Nói về tiêu thụ ở thị trường nội địa, Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho rằng: Vừa qua, một số doanh nghiệp xi măng tăng giá nên cơ cấu tiêu thụ cũng có một số thay đổi. Các doanh nghiệp tăng giá cao sẽ khiến người tiêu dùng lựa chọn thương hiệu xi măng khác thay thế.
 
Việc tăng giá bán xi măng trong bối cảnh giá điện, than cùng các nguyên nhiên liệu tăng khiến nhiều doanh nghiệp xi măng phải tăng giá bán. Nhưng theo TS. Cung mức tăng bao nhiêu các doanh nghiệp xi măng cần cân nhắc cho phù hợp.
 
Xuất khẩu sang Philippines gặp khó
Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines (DTI) thông báo áp dụng biện pháp tự vệ trong 3 năm với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam. Trong năm đầu tiên, mỗi tấn xi măng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ bị thu thuế 250 peso, tương đương 4,8 USD, năm thứ 2 là 225 peso và 200 peso trong thời gian còn lại. Biện pháp tự vệ này có hiệu lực từ ngày 18/9 và được rà soát hàng năm.
 
Là nước đứng thứ hai trong danh sách các quốc gia nhập khẩu xi măng của Việt Nam (sau Trung Quốc), Phiippines đã công bố kết quả điều tra sơ bộ vào đầu năm 2019 cho thấy ngành sản xuất xi măng nước này bị thiệt hại nghiêm trọng vì lượng xi măng nhập khẩu tăng đột biến. Nhập khẩu xi măng tăng từ 3.600 tấn trong năm 2013 lên khoảng 3 triệu tấn trong năm 2017. Khoảng 75% trong đó là từ Việt Nam, 18% từ Trung Quốc và 8% từ Thái Lan.
 
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu clinker và xi măng của Việt Nam sang Philippines liên tục tăng cả về khối lượng và giá trị kể từ năm 2014 đến năm 2018. Trong đó, khối lượng xuất khẩu tăng từ khoảng hơn 1 triệu tấn lên hơn 6,6 triệu tấn, với giá trị tăng từ hơn 1,2 triệu USD lên hơn 300 triệu USD vào năm 2018. Đến năm 2018, xuất khẩu sang Philippines chiếm gần 21% tổng xuất khẩu xi măng của Việt Nam.
 
Năm 2019, Philippines vẫn thuộc nhóm các quốc gia nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Việc áp thuế nhập khẩu này cũng khiến thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Philippines bị ảnh hưởng.
 
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2019. Các doanh nghiệp xi măng đang trong cuộc đua nước rút về đích hoàn thành kế hoạch năm. Ngành Xi măng đang đứng trước cuộc cách mạng 4.0 với nhiều cơ hội và thách thức. Bản thân các doanh nghiệp xi măng đang nỗ lực thay đổi để thích ứng với xu hướng thế giới: sản xuất xanh hơn, sạch hơn và sử dụng các phụ gia, nguyên nhiên liệu thay thế tài nguyên thiên nhiên nhiều hơn.
Vũ Huyền - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng