Người làm thương mại thiết bị vệ sinh: Cần thay đổi nhận thức

Thứ ba, 26 Tháng 11 2019 18:15 (GMT+7)
Ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp sản xuất thiết bị vệ sinh và Chính phủ, cho thấy nhận thức của người làm thương mại là vô cùng quan trọng, góp phần làm giảm áp lực cho doanh nghiệp sản xuất và Chính phủ.
 
nguoi lam thuong mai thiet bi ve sinh can thay doi nhan thuc
Khách hàng nên lựa chọn sản phẩm có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng để yên tâm sử dụng và có chế độ bảo hành.
 
Doanh nghiệp và Chính phủ đều chịu thiệt
Một chuyên gia trong ngành Xây dựng cho biết, trước sức ép của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, chắc chắn những công ty sản xuất của các quốc gia như Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc… sẽ dần dần chuyển dịch nhà máy qua Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc có thể không chuyển dịch nhà máy qua Việt Nam nhưng chuyển kênh phân phối qua Việt Nam hoặc những nước như: Lào, Campuchia, Myanmar, châu Phi… để tránh bị Mỹ đánh thuế.
 
Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện cách này ở Việt Nam với thiết bị vệ sinh. Họ dùng chiến thuật bán phá giá, nhập rẻ vào Việt Nam để không bị đánh thuế cao. Công ty nhập là pháp nhân Việt Nam của người Việt Nam nhưng thực chất là người Trung Quốc đứng sau lưng giật dây điều khiển. Chiến thuật này có tác động để phá giá, chiếm lĩnh thị phần của Viglacera, Inax, Caesar, Hảo Cảnh và các nhà sản xuất thiết bị vệ sinh trong nước tại Việt Nam.
 
Họ cũng có thể sử dụng một hình thức khác, các thương lái của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, bán thẳng cho chủ đầu tư hoặc các cửa hàng làm thương mại… và vận chuyển trực tiếp thiết bị vệ sinh từ nhà máy bên Trung Quốc đến tận chân công trình.
 
Và hậu quả là các nhà sản xuất trong nước như Viglacera, Inax, Toto đều bị giảm thị phần dù là ở phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và/hoặc thấp. Doanh số của các doanh nghiệp này chắc chắn sẽ giảm một cách thảm hại.
 
Trong khi người tiêu dùng thuộc các phân khúc này thường không có đủ thông tin về thương hiệu nên dễ bị những nhà thương mại chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt thuyết phục mua. Đương nhiên, kéo theo đó là nguồn thu nhập thuế của Chính phủ Việt Nam sẽ bị giảm đi rõ rệt, quyền lợi của người tiêu dùng không được đảm bảo dẫn đến những bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày và bức xúc tinh thần do sử dụng sản phẩm mà không được đáp ứng dịch vụ bảo hành.
 
Tư vấn, bán hàng rõ nguồn gốc
Tuy nhiên, trong khi có những doanh nghiệp, nhà thương mại, bất chấp tuy tín, thương hiệu chỉ nhắm đến mục đích vì lợi nhuận khi làm thương mại cho các sản phẩm thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thì cũng có không ít các nhà thương mại chuyển hướng sang phân phối các sản phẩm chính hãng của Viglacera hay Inax. Họ là những người vào nghề dưới 10 năm hay đã hoạt động vài chục năm, gây dựng thương hiệu cho mình bằng cách phân phối các sản phẩm thiết bị vệ sinh chính hãng.
 
Ông Nguyễn Văn Tiến - một nhà thương mại thiết bị vệ sinh lâu năm có tiếng ở An Trạch, Đống Đa, Hà Nội nhận định: Để tạo dựng được thương hiệu uy tín của nhà phân phối không hề đơn giản. Muốn doanh nghiệp phát triển bền vững cần làm ăn giữ uy tín, tư vấn bán hàng cho khách sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, nếu chỉ cần lợi nhuận trước mắt mà tư vấn cho khách sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm thu về lợi nhuận cao là làm ăn theo kiểu chộp giật. Trước đây, ông Nguyễn Văn Tiến bán nhiều chủng loại sản phẩm cao cấp của Trung Quốc nhưng hiện nay ông đã cân nhắc kỹ lưỡng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững và xác định hợp tác, đồng hành cùng Inax.
 
Hay như trường hợp ông Hoàng Minh Hải - một nhà phân phối thiết bị vệ sinh cho Viglacera tại thành phố Hưng Yên, sau một thời gian phân phối sản phẩm của Trung Quốc, nhận thấy thị trường phát triển một cách không bền vững, theo cách gọi của ông là “nát” (phóng viên), đã chuyển sang phân phối các sản phẩm của Viglacera bởi chất lượng bảo đảm, chế độ bảo hành tốt. Và quan trọng hơn, ông Hoàng Minh Hải muốn gây dựng thương hiệu, uy tín cho doanh nghiệp của mình thông qua việc phân phối sản phẩm chính hãng.
 
Là một nhà làm thương mại lâu năm, ông Nguyễn Văn Tiến tự nhận có trách nhiệm phân tích rõ những bất cập của việc sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để khách hàng nhìn nhận đầy đủ và đừng nghĩ đến lợi ích trước mắt mà phải nghĩ đến lợi ích lâu dài: “Một phòng vệ sinh không có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng dùng 2 - 3 năm nếu hỏng phải bỏ đi để thay thế.
 
Mỗi lần phải sửa chữa, thay thế như vậy rất bất tiện, tốn kém. Trong khi đó, nếu mua hàng đảm bảo chất lượng, tất nhiên đắt hơn một chút so với sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ, thì sử dụng 10 - 20 năm sau khách hàng cũng không phải suy nghĩ, bởi nếu có vấn đề hoặc hỏng hóc linh kiện, khách hàng có thể ra bất kỳ cửa hàng nào cũng mua được linh kiện thay thế. Bởi vậy, chả có lý do gì để lựa chọn cho mình sản phẩm đầy rủi ro mà không chọn cho mình sản phẩm để yên tâm sử dụng lâu dài”.
Thanh Nga - (baoxaydung.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng