Ảnh minh họa.
Nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng 4-5%
Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2019, các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ xi măng đang chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch năm. Trong bức tranh chung của thị trường ngành Xây dựng, xi măng vẫn là điểm sáng với mức tăng trưởng dự kiến tăng 2% so với năm 2018 toàn ngành. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất không ngừng tăng; thị trường xi măng cạnh tranh quyết liệt; có quá nhiều thương hiệu xi măng khác nhau nhưng tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đều tăng.
Dự kiến tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ năm 2019 khoảng 97 - 98 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2018. Trong đó, xi măng tiêu thị nội địa khoảng 67 triệu tấn, tăng 1%, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker khoảng 31 - 32 triệu tấn, tương đương năm ngoái, giá trị xuất khẩu ước đạt 1,27 tỷ USD.
Bộ Xây dựng ước tính nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành năm 2020 sẽ đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, tăng 4 - 5% so với năm 2019, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 32 - 34 triệu tấn.
Đồng thời về khả năng sản xuất, năm 2020 sẽ dự kiến có 2 dây chuyển sản xuất xi măng đi vào vận hành, đưa tổng số dây chuyền sản xuất xi măng của cả nước lên con số 86 dây chuyền với tổng công suất đạt 105,84 triệu tấn. Ngành xi măng hoàn toàn có khả năng sản xuất xi măng, đáp ứng tiêu thụ năm 2020 gồm cả xi măng tiêu thụ nội địa và clinker, xi măng xuất khẩu.
Xuất khẩu cần chủ động tránh bị ép giá
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc và Thái Lan có thể tăng khiến xuất khẩu xi măng của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh nhiều hơn. Vì vậy,các doanh nghiệp xi măng nước ta cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định, có chiến lược dài hạn về hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc bình ổn, cân dối cung cầu và kiềm chế tốc độ tăng giá năm 2020, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công Thương, Tổ điều hành thị trường trong nước báo cáo Chính phủ có chính sách hợp lý trong việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng, dầu. Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam có kế hoạch cung cấp đủ than theo nhu cầu sản xuất và đảm bảo chất lượng than cho các nhà máy xi măng, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam cấp đủ điện cho sản xuất xi măng…
Ngành Xi măng phát triển sản xuất xanh
Không chỉ tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp lớn của ngành xi măng Việt Nam đang hướng đến nền sản xuất xanh, thông minh, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào sản xuất kinh doanh, đồng thời tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Ngành Xi măng chỉ có một hướng lựa chọn duy nhất là phát triển bền vững gắn với sản xuất xanh, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong bối cảnh nhu cầu xi măng phục vụ cơ sở hạ tầng gia tăng nhưng tài nguyên hữu hạn và ngày càng cạn kiệt.
Tiêu chuẩn sản xuất xanh không chỉ là tập trung trồng nhiều cây xanh, tạo cảnh quan xanh trong nhà máy, mà quan trọng đó là giảm phát thải CO2, kiểm soát và hạn chế tối đa khói bụi ảnh hưởng đến môi trường và đặc biệt tiết kiệm tối đa tài nguyên thiên nhiên là đá vôi hoặc sử dụng các nguyên liệu thay thế đá vôi trong tương lai.