UBND thành phố cần phối hợp với các cơ quan trung ương sớm giải quyết các vướng mắc của thị trường bất động sản (Ảnh: MH).
Sớm giải quyết vướng mắc
Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp thị trường bất động sản nhà ở thành phố Hồ Chí Minh sụt giảm về quy mô, có biểu hiện lệch pha cung - cầu và gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Sụt giảm số lượng dự án nhà ở thương mại và cả dự án nhà ở xã hội. Sụt giảm số lượng sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại 1-2 phòng ngủ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Sụt giảm số lượng giao dịch. Sụt giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước từ đất và thị trường bất động sản. Nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc, chồng chéo, xung đột trong một số quy định của pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.
Do đó, UBND thành phố cần xem xét thấu đáo các đề xuất của HoREA để ban hành quy trình các bước xét duyệt hợp lý (05 bước) đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có phần đất rạch, đường, bờ đất thuộc Nhà nước quản lý xen kẹt trong dự án. Quyết định các phương án xử lý đối với phần đất thuộc Nhà nước quản lý nằm xen kẹt trong các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp. Giải quyết các vướng mắc về tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại, phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan trung ương sớm giải quyết các vướng mắc của thị trường bất động sản. Sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, trước hết là thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có) và được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân. Báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Tài chính thực hiện công tác xác định giá trị tài sản doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hóa, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Khi quyết định phê duyệt dự án nhà ở, đồng thời quyết định cập nhật, bổ sung dự án được duyệt vào “Danh mục dự án nhà ở” trong Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2020 của thành phố.
Đơn giản quy trình xét duyệt dự án nhà ở xã hội
Nhằm phát triển nhà ở xã hội, UBND thành phố cần ban hành quy trình các bước xét duyệt hợp lý đối với các dự án nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng, trong đó có phần đất rạch, đường, bờ đất thuộc Nhà nước quản lý xen kẹt trong dự án, theo hướng rút gọn quy trình xét duyệt đơn giản hơn (còn 04 bước) so với dự án nhà ở thương mại (05 bước).
Phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Xây dựng ban hành tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã có quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý (hiện nay các quỹ đất này chưa được sử dụng do chưa có tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư).
Do nhiều khả năng Nhà nước không bố trí thêm được nguồn vốn ngân sách để thực hiện hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội trong năm 2020. HoREA đề nghị UBND thành phố cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện “kết nối ngân hàng với doanh nghiệp” để chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua trả góp nhà ở xã hội được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý nhất.
Tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng lại các chung cư cũ
Đối với việc thực hiện kế hoạch xây dựng lại chung cư cũ, UBND thành phố quyết định hoặc đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng tháo gỡ các vướng mắc để thực hiện hiệu quả năm 2020. Quy định tỷ lệ khoảng 80% chủ sở hữu chung cư đồng ý phá dỡ chung cư là quyết định có hiệu lực (hiện nay, quy định tỷ lệ này là 100% nên không khả thi). Bổ sung quy định chỉ tiêu dân số (hợp lý) cho dự án xây dựng lại chung cư cũ. Đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn thực hiện Khoản 4, Điều 15 Nghị định 101/2015/NĐ-CP về miễn tiền sử dụng đất dự án xây dựng lại chung cư cũ. Cho chủ sở hữu chung cư được mua thêm phần diện tích căn hộ tái định cư dôi dư và hộ khẩu ghép được mua căn hộ tái định cư, với giá bảo toàn vốn cộng với lợi nhuận 10% (hiện nay, quy định phải mua “theo giá kinh doanh do chủ đầu tư dự án và chủ sở hữu nhà chung cư thỏa thuận”. Hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho đối tượng tái định cư hội đủ điều kiện của đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội khi mua thêm phần diện tích căn hộ tái định cư dôi dư và hộ khẩu ghép được mua căn hộ tái định cư.
Chỉ đạo nhân rộng cách làm của quận 3 thực hiện kế hoạch phá dỡ 12 cụm nhà chung cư trên địa bàn quận 3, để xây dựng lại thành 02 cụm nhà chung cư tập trung và tái định cư người dân theo “phương thức tái định cư tại chỗ, hoặc tái định cư trên địa bàn quận”, để áp dụng trên địa bàn thành phố.
Bổ sung kế hoạch chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch vào “Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2020”.
Phát triển nhà ở phục vụ tái định cư
Mặc dù hiện nay đang có tình trạng dư thừa quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố, nhưng do yêu cầu phải có quỹ nhà tái định cư phù hợp để đáp ứng nhu cầu tái định cư của người dân trong một số dự án phục vụ lợi ích công cộng cụ thể, nên vẫn cần kế hoạch phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư. Ví dụ: Dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ cần quỹ nhà tái định cư tại khu vực quận 12, huyện Hóc Môn, Củ Chi.
Bên cạnh đó, các khu nhà tái định cư đã được xây dựng trước đây nhưng đang bị bỏ trống như Dự án Vĩnh Lộc B, Dự án Bình An… cần đưa vào kế hoạch phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư năm 2020, đầu tư nâng cấp hoặc chuyển mục đích sử dụng.
Thanh Nga - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong - (dongbang.vn)