Tháo gỡ khó khăn cho nhà máy thép

Thứ tư, 08 Tháng 4 2020 07:59 (GMT+7)
Kể từ khi bị buộc phải dừng hoạt động vào quý I-2018, hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc (đóng tại Khu công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) có nguy cơ phá sản, hàng nghìn công nhân mất việc làm. UBND thành phố Đà Nẵng và chủ doanh nghiệp (DN) nhiều lần đối thoại, tìm hướng tháo gỡ, nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chính quyền, DN và người dân, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bền vững.
Tháo gỡ khó khăn cho nhà máy thép
Sau hơn hai năm dừng hoạt động, Nhà máy thép Dana - Ý bị xuống cấp, hư hỏng.
 
Từ năm 2016 đến quý I-2018, người dân sống gần hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc nhiều lần tụ tập, ngăn chặn không cho nhà máy thép hoạt động vì khoảng cách từ nhà máy đến nhà dân trong khu vực không bảo đảm theo quy định, khói bụi, tiếng ồn từ hoạt động sản xuất thép ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. Nguyên nhân chính của việc người dân bao vây nhà máy, buộc ngừng hoạt động từ cuối tháng 2-2018 là do chậm giải tỏa khu dân cư sống gần hai nhà máy nói trên, do kinh phí di dời, giải tỏa và xây dựng hai khu tái định cư Hòa Liên 6 và Hòa Liên 7, nơi dự kiến bố trí tái định cư cho hộ dân sống gần nhà máy gặp áp lực rất lớn về kinh phí, DN không đủ khả năng chi trả.
 
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Dana - Ý Huỳnh Văn Tân cho rằng, việc đóng cửa nhà máy gây thiệt hại về kinh tế rất lớn cho DN. Thực tế, khi nhà máy triển khai xây dựng và đi vào hoạt động năm 2006 theo chủ trương của chính quyền Đà Nẵng lúc đó, chung quanh nhà máy chỉ có 30 hộ dân sinh sống. Từ đó đến nay, đã phát sinh hơn 500 hộ, cùng với việc tách lô, tách thửa, tổng nhu cầu lên đến hơn 1.200 lô đất. Lỗi này hoàn toàn không thuộc về DN và DN cũng không thể đủ kinh phí chi trả cho việc đền bù, giải tỏa, di dời dân.
 
Bày tỏ quan điểm của lãnh đạo Đà Nẵng về chủ trương dừng hoạt động của hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết: Trước đây, thành phố có chủ trương di dời dân gần tường rào nhà máy, tiền hỗ trợ di dời do hai Công ty thép Dana - Ý và Dana - Úc chi trả. Nếu số tiền chi trả vượt quá số tiền đền bù thì thành phố sẽ thu hồi đất này để bán đấu giá. Tuy nhiên, hiện nay, chung quanh khu vực nhà máy thép có nhiều đối tượng mua đất, tách sổ nên việc bố trí đất tái định cư là rất lớn. Trong khi đó, chủ trương chung là nhà máy thép vẫn phải di dời. Vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy xem xét hủy bỏ chủ trương di dời dân, dừng hoạt động hai nhà máy, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, địa phương và DN.
 
Không đồng tình với chính quyền, đại diện hai nhà máy thép đã khởi kiện Quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, cả hai lần Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng đưa ra xét xử, cả hai phía khởi kiện và người bị kiện đều cùng thống nhất đề nghị tòa án tạm ngừng phiên tòa để các bên đối thoại, thỏa thuận tìm hướng giải quyết vụ việc.
 
Cho đến nay, ngoài số tiền nộp phạt hành chính hơn 1,1 tỷ đồng, việc đình chỉ hoạt động sản xuất, riêng Công ty cổ phần thép Dana - Ý, thiệt hại về kinh tế tính đến cuối năm 2019 lên đến gần 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó là thiệt hại do giảm sút thương hiệu. Bốn đối tác nước ngoài có góp vốn và hợp đồng cung cấp nguyên liệu là các công ty của Nhật Bản, Niu Di-lân, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a có thể khởi kiện vì bị hủy hợp đồng không có lý do chính đáng… và như vậy con số thiệt hại sẽ còn tăng gấp nhiều lần. Việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp ở Đà Nẵng vào thời điểm 15-20 năm trước hầu như không chú trọng bảo đảm quy hoạch, khoảng cách đến khu dân cư… Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, việc đối thoại giữa chủ DN và lãnh đạo TP Đà Nẵng là nhằm tìm ra phương án giải quyết hợp lý nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích, đúng quy định pháp luật, bảo đảm môi trường, đời sống nhân dân một cách lâu dài, bền vững. UBND thành phố đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu phương án tối ưu, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, môi trường… nếu nhà máy tiếp tục hoạt động trở lại… DN cũng mong muốn chính quyền hỗ trợ chi phí để khôi phục sản xuất, sau đó bù đắp bằng các khoản thuế, hoặc thành phố hỗ trợ chi phí di dời nhà máy. Và với phương án di dời hai nhà máy thép đi nơi khác, thì việc chuyển đổi đất sản xuất công nghiệp thành đất ở đô thị cũng cần được chính quyền TP Đà Nẵng xem xét cẩn trọng trước khi trình Chính phủ.
 
Cho dù quyết định cho hai nhà máy thép tạm thời hoạt động trở lại trong một thời gian nhất định, hay dừng hẳn và di dời đi nơi khác, thì đây cũng là bài học đắt giá cho Đà Nẵng nói riêng, chính quyền địa phương các tỉnh miền trung - Tây Nguyên nói chung trong quá trình “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư: Không để cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”.
 
THANH TÙNG - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng