Hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng được Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quản lý chặt về chất lượng (Ảnh: Internet).
Theo đó, với các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu xi măng, vật liệu ốp lát (ceramic, granit, cotto, đá ốp lát nhân tạo, đá ốp lát tự nhiên), sứ vệ sinh, kính xây dựng, vôi, vật liệu chịu lửa, trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư cần xem xét kỹ về năng lực của chủ đầu tư, cân đối cung cầu chủng loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn và khu vực. Đồng thời, lấy ý kiến tham vấn của Bộ Xây dựng và thẩm định công nghệ theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ.
Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm vật liệu xây dựng thông thường (gạch sét nung, vật liệu xây dựng không nung, đá, cát xây dựng…) cần tuân thủ quy định về phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung…
Đặc biệt, nhà đầu tư cần lựa chọn công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, tiêu hao nguyên, nhiện liệu, năng lượng thấp nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về bảo vệ môi trường. Dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước cần gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu và đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của từng dự án.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Cục Hải quan Thành phố tăng cường kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu khi nhập khẩu các loại sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng theo nội dung Thông tư số 19/2019/TT-BXD nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng không đạt tiêu chuẩn chất lượng nhập vào trong nước.
Mai Thanh - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)