Nhà máy xi-măng Hoàng Mai.
Kỳ tích Hoàng Mai
Cách đây 25 năm, với khát vọng thay thế các nhà máy xi-măng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, Nghệ An đã mạnh dạn vay hơn 200 triệu USD từ ngân hàng nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy xi-măng công suất 1,26 triệu tấn/năm (4.000 tấn clinker/ngày). Cuối năm 2001, tại xã Quỳnh Vinh, huyện Quỳnh Lưu (nay là thị xã Hoàng Mai) nhà máy này đã chính thức cho ra đời những mẻ sản phẩm đầu tiên.
Kiểm tra quy trình sản xuất xi-măng Hoàng Mai.
Mặc dù với lợi thế gần vùng nguyên liệu, lại nhà máy mới, thiết bị, công nghệ hiện đại của châu Âu, song việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Không chỉ gặp khó thị trường tiêu thụ mà điều quan trọng nhất là vấn đề tài chính. Theo quy trình, để đầu tư một nhà máy tầm cỡ như xi-măng Hoàng Mai thì phải có 30-40% vốn đối ứng (tự có), trong lúc đó, để xây dựng nhà máy này, tỉnh Nghệ An hầu như “tay không bắt giặc” (chỉ có đúng vỏn vẹn 1% vốn đối ứng, còn lại 99% vốn vay bằng ngoại tệ). Tại thời điểm đó, đồng ngoại tệ liên tục tăng giá so Việt Nam đồng. Có những năm, doanh nghiệp trả nợ vốn vay, tiền lãi khoảng 200 tỷ đồng nhưng phải trả đến 350 tỷ đồng tiền chênh lệch tỷ giá. Những bất cập về tài chính khiến giá thành sản phẩm cao hơn so thị trường... Theo tính toán, nếu để tình trạng tài chính này, xi-măng Hoàng Mai phải mất 26 năm mới trả nợ hết vốn vay.
Giám đốc Công ty cổ phần Xi-măng Hoàng Mai Nguyễn Quốc Việt là người có mặt trong những ngày đầu tiên xây dựng nhà máy cho biết, trước tình thế đó, Xi-măng Hoàng Mai cần sớm bàn giao về Tổng Công ty Công nghiệp xi-măng (VICEM) Việt Nam, nhờ đó, các khó khăn mới kịp thời được tháo gỡ. VICEM Việt Nam điều tiết thị trường nội bộ, đẩy nhanh việc tiêu thụ sản phẩm. Điều cốt lõi, xi-măng Hoàng Mai được Chính phủ và bộ ngành liên quan tạo điều kiện cho tiến hành tái cấu trúc tài chính. Tổng công ty “bơm” thêm 1.050 tỷ đồng vốn điều lệ. Doanh nghiệp còn được bộ, ngành T.Ư chấp thuận và ưu tiên vay Việt Nam đồng, lãi suất ưu đãi mua ngoại tệ trả nợ trước hạn.
Trong tiến trình đổi mới doanh nghiệp, đơn vị đã nhanh chóng tiến hành cổ phần hóa. Tháng 4-2008, Công ty CP Xi-măng Hoàng Mai chính thức đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (sớm trước hai năm so với Quyết định 86/2005/QĐ-TTg ngày 22-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ). Từ đây, doanh nghiệp đã thiết lập thành công nền tài chính an toàn, lành mạnh. VICEM còn cử cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm từ xi-măng Hoàng Thạch về điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, nhiều sáng tiến kỹ thuật được phát huy, công tác vận hành, bảo dưỡng luôn được cải tiến, giảm thiểu thời gian dừng lò, sửa chữa nên đã nâng công suất lò nung lên trên 10% so thiết kế, đạt hơn 1,4 triệu tấn clinker/năm, tương đương hai triệu tấn xi-măng/năm...
Lung linh Hoàng Mai.
Phó Giám đốc Công ty CP Xi-măng Hoàng Mai Đặng Ngọc Long cho biết, sản phẩm nhà máy sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu; không những tham gia xây dựng công trình dân cư, mà còn tín nhiệm đưa vào xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia.
Cũng nhờ đó, từ năm 2008 trở đi, doanh nghiệp đã bắt đầu làm ăn có lãi, tức là chỉ mất sáu năm, thay cho 26 năm so tính toán trước đây. Xi-măng Hoàng Mai đã tạo việc làm ổn định cho hơn 850 lao động, trong đó phần đông là người địa phương với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng; nộp ngân sách bình quân 60-70 tỷ đồng/năm và hỗ trợ hơn 609 nghìn tấn xi-măng xây dựng nông thôn mới cho Nghệ An cùng đóng góp hơn 47,7 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội khác.
Hiện nay, Công ty CP Xi-măng Hoàng Mai đang chuẩn bị triển khai đầu tư nhà máy xi-măng công suất 12.000 tấn clinker/ngày tại Khu công nghiệp Hoàng Mai. Trong đó, giai đoạn 1, công suất 6.000 tấn clinker/ngày cùng trạm nghiền với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Công tác thăm dò, xác định trữ lượng chất lượng các mỏ nguyên liệu phục vụ nhà máy này đã hoàn thành và đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Nhà máy xi-măng Hoàng Mai đi vào hoạt động sẽ tiếp tục trở thành hạt nhân góp phần phát triển khu công nghiệp Hoàng Mai cũng như tạo sức hút phát triển khu đô thị thị xã Hoàng Mai.
Trọng điểm xi-măng
Là địa phương có nguồn nguyên liệu sản xuất xi-măng dồi dào, Nghệ An được xác định là trọng điểm sản xuất xi-măng của cả nước. Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra, phấn đấu đến năm 2020 sản xuất từ 10-12 triệu tấn xi-măng/năm đáp ứng nhu cầu xây dựng nội địa, hướng tới xuất khẩu và phát triển sản xuất vật liệu không nung.
Trở về thời điểm năm 2010, với hàng loạt dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất xi-măng được khởi công hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư vào Nghệ An. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên các chủ dự án đầu tư xi-măng trên đều chậm trễ triển khai hay bỏ cuộc và tưởng chừng như Nghệ An không đạt chỉ tiêu đề ra. Sau một thời gian kết nối các nhà đầu tư chiến lược lần lượt tiếp quản các dự án xi-măng trên địa bàn. Với cái tên xi-măng Sông Lam, Tập đoàn xi-măng The Vissai Ninh Bình đã đầu tư với số vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng xây dựng nhà máy xi-măng ở Đô Lương và trạm nghiền Nghi Thiết có công suất giai đoạn một bốn triệu tấn clinker/năm, chỉ sau 18 tháng thần tốc thi công, các công trình này đã đi vào hoạt động.
Thường xuyên kiểm tra chất lượng sản phẩm ở Xi-măng Hoàng Mai.
Không lâu sau, cảng quốc tế Nghi Thiết được công nhận, đón tàu bảy vạn tấn vào làm hàng. Ngoài ra, The Vissai Ninh Bình đổi mới công nghệ nhà máy xi-măng 12-9, nâng công suất sản xuất lên 600 nghìn tấn/năm. Các công trình đầu tư của The Vissai Ninh Bình tại Nghệ An đã tạo điểm nhấn trong phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh. Phó phòng Hành chính Công ty CP xi-măng Sông Lam Mai Thị Hương Duyên cho biết, sau hơn ba năm đi vào hoạt động, các sản phẩm xi-măng Sông Lam đã có mặt ở các thị trường nước ngoài, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng. Hiện, The Vissai Ninh Bình đang triển khai giai đoạn 2 với việc tăng gấp đôi công suất Nhà máy xi-măng Sông Lam; mở rộng thị trường nội địa cũng như hoàn thiện hệ thống cảng biển quốc tế Nghi Thiết (công suất 19 triệu tấn hàng hóa/năm) và hệ thống logistics. Điều đáng mừng, đầu năm 2020, khi cả nước và thế giới đang gồng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19, Xi-măng Sông Lam vẫn sản xuất ổn định, bảo đảm việc việc làm cho 1.500 lao động với thu nhập bình quân khoảng chín triệu đồng/tháng…
Sau thời gian dài “nằm ổ”, đầu năm 2020, Nhà máy xi-măng Tân Thắng (Công ty CP Xi-măng Tân Thắng) có công suất hai triệu tấn sản phẩm/năm đã chính thức đi vào hoạt động. Đây là nhà máy có dây chuyền hiện đại của châu Âu do Tập đoàn TH đầu tư số vốn khoảng 5.000 tỷ đồng. Nhà máy đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động và góp phần phát triển miền tây Quỳnh Lưu, Hoàng Mai.
Ông Đặng Thành Chung, Trưởng phòng Bán hàng (Công ty CP Xi-măng Tân Thắng) cho biết, do “sinh sau, đẻ muộn”, doanh nghiệp sẽ chọn phân khúc, sản xuất dòng sản phẩm xi-măng cao cấp, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Một góc nhà máy xi-măng Sông Lam ở Đô Lương.
Sau khi Nhà máy xi-măng Tân Thắng vào hoạt động cùng với các nhà máy xi-măng Hoàng Mai, Sông Lam trước đó đã đưa Nghệ An trở thành một trong những trọng điểm xi-măng của cả nước và cơ bản cơ bản hoàn thành chỉ tiêu 10 triệu tấn xi-măng vào năm 2020 như Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Nguyễn Trường Giang cho biết, thời gian tới, Nghệ An có thể đạt 15 triệu tấn xi-măng/năm nếu các công ty cổ phần xi-măng Hoàng Mai và Sông Lam triển khai thành công giai đoạn 2.
Tại các vùng phụ cận nhà máy xi-măng đầu tư xây dựng đã và đang dần hình thành các thị trấn, thị tứ, hạ tầng kỹ thuật dịch vụ phục vụ kết nối phát triển theo hướng đông - tây của tỉnh. Ngoài ra, không chỉ tạo chuyển biến về giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết lao động trên địa bàn, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, các nhà máy xi-măng còn góp phần vào công tác từ thiện, an sinh xã hội, và nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An bằng việc hỗ trợ xi-măng hay bán trả chậm xi-măng cho các địa phương...
Để tạo điều kiện cho các nhà máy xi-măng đầu tư phát triển, Nghệ An đã đồng hành với doanh nghiệp trong giải quyết các khó khăn như đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải phóng, bàn giao mặt bằng sạch cùng với việc bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng đầu tư một loạt hạng mục hạ tầng kỹ thuật liên quan. Chẳng hạn như: tỉnh đã đầu tư hàng chục km tuyến đường nối từ N5 lên Đô Lương, nối vào Nhà máy xi-măng Sông Lam; nối đến trạm nghiền Nghi Thiết và cảng quốc tế Nghi Thiết; đường vào Nhà máy xi-măng Tân Thắng. Đi cùng với đó là hệ thống điện, mạng viễn thông, dịch vụ logistics; tài chính, ngân hàng…
Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp xi-măng bền vững, chất lượng cao, các nhà máy xi-măng ở Nghệ An cần tiếp tục đổi mới công nghệ đầu tư các thiết bị, công nghệ sản xuất xi-măngvà bảo vệ môi trường hiện đại; bên cạnh đó, việc khai thác, vận chuyển nguyên liệu theo dây chuyền, bằng xe tải bịt kín… để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Hệ thống quan trắc, giám sát khí, chất thải ra môi trường được kết nối trực tiếp với đơn vị quản lý môi trường của tỉnh.
Tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp một số nhà máy xi-măng sớm hoàn thành việc di dời một số hộ dân bị ảnh hưởng do ở gần nhà máy; sớm hoàn thành hệ thống tuyến đường vào nhà máy xi-măng cùng công tác giải phóng mặt bằng các tuyến đường vận chuyển nguyên liệu và khu mỏ vật liệu để tạo thuận lợi cho việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Các nhà máy xi-măng gắn liền với khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên (đá vôi) phải bảo đảm gìn giữ cảnh quan môi trường...
THÀNH CHÂU - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)