Kỳ 1: Gạch không nung và các sự cố công trình

Thứ ba, 30 Tháng 6 2020 11:00 (GMT+7)
Để từng bước hạn chế, thay thế gạch đỏ, thời gian qua nhiều văn bản với nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng các sản phẩm gạch không nung được ban hành. Trong đó, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP quản lý vật liệu xây dựng đã có các ưu đãi đầu tư cho các dự án sản xuất vật liệu xây không nung. Có thể thấy, phát triển vật liệu xây không nung để thay thế dần gạch đất sét nung là một chủ trương đúng của Chính phủ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung vẫn chưa như kỳ vọng.
ky 1 gach khong nung va cac su co cong trinh
Trụ sở Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Quảng Trị bị nứt tường dù chưa được đưa vào sử dụng.
 
Vẫn còn sự cố tại một số địa phương
 
Việc phát triển vật liệu xây không nung đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình đưa các sản phẩm vật liệu này vào sử dụng trong công trình xây dựng, không ít thách thức được đặt ra cần phải xử lý.
 
Tại tỉnh Quảng Trị bắt đầu từ năm 2014, các nhà máy sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh đồng loạt đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau gần 6 năm, hiệu quả sản xuất gạch không nung đi ngược lại với những kỳ vọng ban đầu, nhiều công trình bị nứt tường khi sử dụng loại vật liệu này, như: Trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, nhiều trường học và cơ sở y tế ở huyện Hải Lăng, huyện Hướng Hoá, thành phố Đông Hà… Dự án xây dựng công trình Trung tâm truyền hình kỹ thuật số và một số hạng mục phụ trợ Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Quảng Trị được phê duyệt và triển khai thi công từ năm 2016. Trong đó, khối nhà trung tâm truyền hình kỹ thuật số có mức đầu tư 19 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Xây dựng số 6 làm nhà thầu, sử dụng 100% gạch không nung của Nhà máy sản xuất gạch không nung Hợp Quốc.
 
Công trình đã hoàn thành trong nhiều tháng nay những vẫn chưa bàn giao, chỉ vì xuất hiện tình trạng nứt tường, 4 phía tường đều có nhiều đường nứt. Để xử lý tình trạng nứt tường này, số tiền bỏ ra lên đến hàng trăm triệu đồng.
 
Để đánh giá tổng thể và thực tiễn trong việc sử dụng gạch không nung trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2019, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình đã thành lập Đoàn kiểm tra các công trình sử dụng gạch không nung. Qua kiểm tra cho thấy, thành phố Đông Hà có đến 13 công trình gặp sự cố nứt; huyện Hướng Hoá có 17 công trình thì có đến 90% sử dụng gạch không nung bị nứt… Trước đó, năm 2016, tiến hành kiểm tra ngẫu nhiêu 17 công trình sử dụng gạch không nung, thì trong đó có đến 16 công trình đều có chung tình trạng là nứt tường. Hiện tượng này thường gặp ở các vị trí giảm yếu hoặc vị trí tiếp giáp giữa hai loại vật liệu khác nhau (tường – trụ; tường – dầm). Các công trình phục vụ cộng đồng như: Nhà văn hóa thôn xã, nhà văn hóa khu phố nơi có đông dân cư sinh hoạt, hiện tượng nứt tường xảy ra hết sức phản cảm, dẫn đến tâm lý e ngại sử dụng gạch không nung.
 
Năm 2019, khi dự án xây dựng nhà hiệu bộ Trường Cao đẳng y Quảng Trị đang được triển khai thi công, Sở Xây dựng cùng chủ đầu tư, phối hợp với nhà thầu chọn một bức tường có diện tích hơn 12m2 để làm khối xây thí điểm bằng gạch không nung của Nhà máy sản xuất gạch không nung Thành Hưng (có địa chỉ tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà). Đây được xem là một đề tài khoa học cụ thể thực hiện theo các bước từ việc phối trộn vữa, bảo dưỡng, kỹ thuật xây… Song, kết quả vẫn xảy ra nứt tường từ các điểm giảm yếu ở cửa sổ.
 
Tương tự tại Quảng Bình, năm 2019 tại công trường dự án Trụ sở Thành ủy Đồng Hới, trên một số mảng tường, cột trụ của công trình có xuất hiện một số vết nứt, có phương thẳng đứng và cả xiên tường, dài vài chục centimet. Tại các cửa sổ, mảng tiếp giáp giữa tường và cột, mảng tiếp giáp giữa tường và dầm cũng có dấu hiệu nứt rõ rệt. Nhà thầu là Công ty TNHH Xây dựng Việt Tiến, đơn vị thi công gói thầu Hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ thuộc dự án Thành ủy Đồng Hới trên cơ sở ý kiến chủ đầu tư để lên phương án sửa chữa vết nứt bằng cách dùng chất kết dính.
 
Phía Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất thành phố Đồng Hới nhận định rằng, đầu tiên là chất lượng gạch không nung chưa đồng nhất, độ co ngót còn lớn. Tiếp theo là tại thời điểm thi công phần thô năm 2017, Sở Xây dựng địa phương chưa có hướng dẫn phương pháp thi công loại gạch không nung, thợ xây đều dùng phương pháp và kỹ thuật thi công gạch sét nung ứng vào loại vật liệu mới, các mảng tiếp giáp không được trang bị lưới liên kết… Do đó, các công trình xây lắp thời điểm này tần suất nứt nhiều, cuối năm 2018, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình đã có văn bản hướng dẫn cách thi công mới, những công trình về sau hạn chế được việc nứt.
 
Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh này cũng có một số công trình dùng vốn ngân sách khác sử dụng gạch không nung bị nứt khi hoàn thiện đã được truyền thông phản ánh. Có thể kể đến công trình Nhà thi đấu đa năng của trường THCS thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh được xây mới bằng vốn ngân sách Nhà nước với kinh phí hơn 7 tỷ đồng, nứt vá hơn 20% khối lượng công trình. Nhà thầu xây dựng là Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thắng Đạt đã cho nhân công sửa chữa các vết nứt bằng cách đục và trám lại bằng chất phụ gia kết dính xika, đồng thời tăng thời hạn bảo hành công trình.
 
Hay tại công trình điểm trường Mầm non Hà Vàng (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch) vốn ngân sách 8 tỷ đồng, được xây dựng mới xuất hiện nứt tường, nứt móng khi vừa hoàn thiện. Vì là công trình giáo dục, quy mô 2 tầng, 08 phòng học, khả năng chịu tải trọng lớn nên từng gây băn khoăn và nghi ngại cho phụ huynh và học sinh vào thời điểm cuối tháng 7/2019.
 
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương, hiện có 4 doanh nghiệp sản xuất gạch không nung với các sản phẩm và công suất thiết kế như sau: Gạch bê tông xi măng - cốt liệu có 3 cơ sở quy mô lớn với tổng công suất thiết kế trên 70 triệu viên QTC/năm, khoảng 50 hộ gia đình với tổng công suất hàng năm đạt 34,5 triệu viên QTC/năm. 1 cơ sở gạch bê tông khí chưng áp AAC công suất thiết kế 142.2 triệu viên QTC/năm; Vữa cho bê tông nhẹ công suất thiết kế 60.000 tấn/năm đều đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài ra còn có 12 dự án chuẩn bị đầu tư với công suất thiết kế đạt 473,2 triệu viên QTC/năm.
 
Sở Xây dựng Hải Dương đã hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung làm thủ tục đăng ký công bố hợp quy và ra thông báo tiếp nhận hợp quy khi doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục.
 
Trong quá trình xây dựng Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sở Xây dựng Hải Dương đã lồng ghép việc kiểm tra một số doanh nghiệp sản xuất gạch không nung về chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn lao động. Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng đến nay tình hình triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại tỉnh Hải Dương vẫn còn nhiều bất cập, vật liệu xây không nung chưa được ứng dụng rộng rãi do nhiều nguyên nhân: Thói quen dùng gạch của các chủ đầu tư và người tiêu dùng, giá thành sản phẩm gạch không nung còn cao so với gạch đất sét nung, đội ngũ công nhân có tay nghề, sử dụng thành thạo các công cụ chuyên dùng khi thi công các sản phẩm vật liệu xây không nung còn thiếu, các đơn vị sản xuất vật liệu xây không nung chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển vật liệu xây không nung, các nhà đầu tư chưa quan tâm đến việc sử dụng vật liệu mới trong công trình xây dựng, một số chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn khác chưa tin tưởng vào chất lượng gạch không nung nên vẫn chưa sử dụng.
ky 1 gach khong nung va cac su co cong trinh
Phát triển vật liệu xây dựng không nung là một chủ trương đúng đắn, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những bất cập cần giải quyết.
 
Nguyên nhân do đâu?
 
Trả lời về nguyên nhân xảy ra sự cố nứt tường tại một số công trình sử dụng vật liệu xây không nung, ông Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng: Nứt tường là hiện tượng thường gặp trong các công trình xây dựng ở nước ta, không chỉ với vật liệu xây không nung, mà cả với gạch đất sét nung. Sự cố nứt tường ở các công trình sử dụng gạch không nung có thể do một số nguyên nhân sau: sử dụng gạch không đảm bảo chất lượng (về cường độ chịu lực, độ co, độ ẩm, độ ổn định chất lượng); thiết kế cấu tạo tường không đáp ứng yêu cầu; thi công không đúng theo hướng dẫn kỹ thuật (sử dụng vữa không tương thích; không xử lý chống nứt tại các vị trí tiếp giáp cột, dầm với tường, tại các vị trí chéo góc cửa, các mối liên kết; không bảo quản , bảo dưỡng…).
 
Theo Sở Xây dựng Hải Dương, việc nứt tường khi sử dụng gạch không nung có thể do một số nguyên nhân sau: Chất lượng gạch không đạt yêu cầu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn; Kỹ thuật xây dựng không đúng kỹ thuật; Sử dụng vữa xây không đúng tiêu chuẩn giảm khả năng liên kết và gây nứt.
 
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: Khí hậu Việt Nam nóng ẩm, mưa nhiều, hiện tượng gạch co ngót hoặc giãn nở do thay đổi độ ẩm, nhiệt độ, cấu tạo của viên gạch.... Mà theo một số chuyên gia cho biết: gạch không nung có chỉ số giãn nở do nhiệt cao hơn gạch nung, nên dễ bị nứt hơn.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị, chất lượng gạch không nung trên địa bàn luôn được cơ quan chuyên môn của Sở này kiểm tra thường xuyên, định kỳ, gạch của các nhà máy được kiểm định chất lượng và đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Ông Hải cho rằng, cần có một cơ quan có đủ năng lực kiểm tra, đánh giá lại việc sử dụng gạch không nung. Từ suy nghĩ đó, ông Hải đã đề nghị các nhà đầu tư mời Viện Khoa học, Bộ Xây dựng vào tham gia thử nghiệm để tìm nguyên nhân. Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã mời Viện Khoa học thuộc Bộ Xây dựng vào kiểm tra lại công trình Trường THCS Trần Hưng Đạo của thành phố cũng bị sự cố nứt tường khi sử dụng gạch không nung.
 
Đại diện Sở Xây dựng Hải Phòng cho rằng: Nhiều công trình bị nứt tường khi sử dụng vật liệu xây không nung có thể xác định do một số nguyên nhân như: Công nhân thi công còn thiếu kinh nghiệm, phần lớn làm việc theo thời vụ, công việc không ổn định; Công nhân thi công vật liệ không nung phần lớn chưa được qua đào tạo, hiện nay các loại gạch không nung phong phú, nhiều chủng loại, do vật công nhân thường lúng túng trong thi công.
 
Ngoài ra còn do các yếu tố thời tiết, đặc điểm khí hậu. Theo một số kết quả thí nghiệm, vật liệu xây không nung có tính chất hút ẩm cao hơn vật liệu nung, gạch không nung có chỉ số giãn nở do nhiệt cao hơn gạch nung, nên dễ bị nứt.
 
Có thể thấy việc áp dụng vật liệu xây không nung vào các công trình còn nhiều bất cập, nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Để sản phẩm vật liệu xây không nung đi vào sử dụng trong các công trình của người dân, cần có những giải pháp đồng bộ. Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin tại kỳ sau.
 
Khánh Hòa - (baoxaydung.com.vn) 
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng