Kỳ 2: Đi tìm giải pháp phát triển vật liệu xây không nung

Thứ năm, 02 Tháng 7 2020 08:12 (GMT+7)
Việc sử dụng gạch không nung là xu thế tất yếu trong quá trình xây dựng, nhất là lĩnh vực dân dụng và nhà ở; góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm tiêu thụ năng lượng, bảo vệ tài nguyên đất, công nghiệp hóa và tự động hóa xây dựng trong thời đại công nghiệp 4.0. Để vật liệu xây không nung đi vào cuộc sống, rất cần sự vào cuộc và triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành liên quan.
ky 2 di tim giai phap phat trien vat lieu xay khong nung
Để đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
 
Phát triển chưa đạt như kỳ vọng
 
Thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về việc phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Thời gian qua việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung ở nước ta đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, các kết quả đạt được vẫn chưa được như kỳ vọng, do một số rào cản.
 
Theo ông Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Trung tâm xi măng và bê tông, Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng): Để thúc đẩy sản xuất và sử dụng gạch không nung, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi trong việc đầu tư thiết bị sản xuất gạch không nung và đầu tư sản xuất gạch không nung nhưng tại nhiều địa phương các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được các ưu đãi này. Các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ đồng bộ, tự động hoá cao cho sản phẩm đạt chất lượng tốt, nhưng giá thành sản xuất cao. Mặt khác, Nhà nước vẫn chưa ban hành các chính sách theo hướng tăng thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng…đối với sản phẩm gạch đất sét nung. Điều này dẫn đến giá thành sản xuất gạch không nung vẫn còn cao, khó cạnh tranh so với gạch đất sét nung.
 
Theo số liệu điều tra của Viện Vật liệu xây dựng, hiện nay tổng công suất thiết kế các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung trong cả nước đạt khoảng 12 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm, trong đó chủ yếu là các cơ sở sản xuất gạch bê tông, chiếm khoảng 91,5%. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ thiết bị thủ công, lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu, không thực hiện chứng nhận hợp quy sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Khi đưa các sản phẩm này vào sử dụng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình (kết cấu khối xây bị thấm, nứt, …) gây tác động tiêu cực trong nhìn nhận của người sử dụng về gạch không nung, dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Để xảy ra tình trạng này có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý các địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng đối với các cơ sở sản xuất gạch bê tông.
 
Về thị trường tiêu thụ: Tổng công suất thiết kế các cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung đạt 12 triệu viên/năm, nhưng sản lượng sản xuất và tiêu thụ hàng năm mới chỉ đạt khoảng 40% công suất thiết kế (khoảng 4,9 triệu viên/năm), chiếm tỷ lệ khoảng 24% so với tổng nhu cầu vật liệu xây hiện nay (khoảng 20,2 triệu viên/năm), 76% vật liệu xây còn lại chủ yếu vẫn là gạch đất sét nung.
 
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước ở Trung ương và các địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc sử dụng gạch không nung thay thế gạch đất sét nung trong thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên đối với các công trình không sử dụng vốn ngân sách nhà nước và công trình nhà dân, việc sử dụng gạch không nung thay thế gạch đất sét nung vẫn còn rất hạn chế, dẫn đến thị trường tiêu thụ gạch không nung chưa cao.
 
Ông Đoàn cũng cho rằng: Việc tiêu thụ gạch không nung gặp khó khăn do một số nguyên nhân như: Chất lượng gạch không nung của nhiều cơ sở sản xuất không đạt yêu cầu nhưng do giá thành thấp nên vẫn được đưa vào sử dụng dẫn đến hiện tượng thấm nước, nứt kết cấu khối xây, giảm chất lượng công trình, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của chủ đầu tư và người sử dụng.
 
Đối với các cơ sở sản xuất gạch không nung đầu tư thiết bị đồng bộ, hiện đại, chất lượng sản phẩm tốt nhưng chi phí đầu tư lớn dẫn đến giá thành sản xuất cao, không có tính cạnh tranh so với gạch đất sét nung.
 
Bên cạnh đó, do sản lượng sản xuất gạch đất sét nung vẫn đáp ứng được nhu cầu sử dụng, giá thành sản xuất gạch đất sét nung có tính cạnh tranh tốt hơn so với gạch không nung, do thói quen sử dụng nên các chủ đầu tư và người dân vẫn sử dụng gạch đất sét nung mà không sử dụng gạch không nung.
 
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp
 
Có thể thấy, để hạn chế gạch nung, đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, ông Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm xi măng và bê tông - Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ: Cần tạo điều kiện thuận lợi về hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thiết bị cho sản xuất gạch không nung và doanh nghiệp đầu tư sản xuất gạch không nung được hưởng các chính sách ưu đãi nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản xuất gạch không nung, tăng tính cạnh tranh về giá của gạch không nung so với gạch đất sét nung.
 
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát chất lượng đối với các cơ sở sản xuất gạch không nung, kiên quyết xử phạt nặng hoặc đóng cửa đối với các cơ sở sản xuất gạch không nung không tuân thủ yêu cầu về chất lượng sản phẩm, không thực hiện chứng nhận hợp quy sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
 
Cần đưa ra các chính sách để hạn chế việc sản xuất gạch đất sét nung như quy định chặt hơn nữa việc cấp phép đầu tư cơ sở sản xuất mới, tăng thuế tài nguyên, thuế giá trị gia tăng, bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường, … đối với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung nhằm tăng tính cạnh tranh về giá của gạch không nung so với gạch đất sét nung.
 
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn thi công cho các loại gạch không nung; tăng cường hơn nữa công tác thông tin, truyền thông, đào tạo tập huấn về sử dụng gạch không nung cho các tổ chức thẩm tra, thanh tra xây dựng, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công và người sử dụng.
 
Chung quan điểm với ông Nguyễn Văn Đoàn, ông Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể: Các cơ quan quản lý Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách hỗ trợ: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nội dung liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đến các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và người dân.
 
Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm thực hiện triệt để chủ trương của Chính phủ về giảm dần gạch đất sét nung truyền thống, xoá bỏ lò thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng, lò vòng cải tiến sử dụng nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí) và lò đứng liên tục sản xuất gạch đất sét nung. Có chính sách về thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất gạch đất sét nung truyền thống theo hướng tăng các loại thuế về tài nguyên, môi trường; cũng như các quy định về sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng
 
Bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động phát triển vật liệu xây không nung như: thuế nhập khẩu thiết bị, phụ tùng; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng và các ưu đãi khác. Cần có cơ chế ưu đãi vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và các công trình sử dụng vật liệu xây không nung nhằm tạo thuận lợi hơn nữa về nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất và cho người sử dụng.
 
Bổ sung và đồng bộ hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật và định mức kinh tế liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung; đặc biệt là các tiêu chuẩn về thiết kế, thi công, nghiệm thu.
 
Phát huy vai trò quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ; hỗ trợ cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư; làm cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu khoa học để triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
 
Đối với các doanh nghiệp: Cần đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị; sử dụng công nghệ tiên tiến, dây chuyền thiết bị hiện đại nhằm cơ giới hóa, tự động hóa quá trình sản xuất. Áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm; nâng cao tính năng, chất lượng sản phẩm; tăng năng suất lao động; giảm tiêu hao nguyên vật liệu; giảm giá thành nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường
 
Tăng cường sử dụng phế thải làm nguyên, nhiên liệu; góp phần nâng cao công tác bảo vệ môi trường, và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản không tái tạo
 
Đa dạng hóa các sản phẩm vật liệu xây không nung có kích thước lớn, cấu kiện, tấm tường, vật liệu nhẹ để khai thác tối đa những tính năng ưu việt của vật liệu xây không nung; nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa xây dựng, giảm thời gian thi công, hạ giá thành xây dựng, góp phần tạo nên các công trình xây dựng sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
 
Về vấn đề này, Sở Xây dựng Hải Dương kiến nghị Bộ Xây dựng có văn bản quy định, hướng dẫn đối với các nội dung cụ thể để phát triển gạch không nung như sau: Giải pháp để các doanh nghiệp sản xuất gạch không nung được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất gạch xây không nung.
 
Có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng nghiêm các chế tài, quy định về thưởng, phạt nếu các chủ đầu tư không tuân thủ đúng quy định về sử dụng vật liệu xây không nung; chế tài thưởng, phạt các doanh nghiệp sử dụng và phát thải phế thải công nghiệp. Phổ biến về công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu chế tạo thiết bị; Tổ chức các hội thảo, tập huấn về hướng dẫn sản xuất và sử dụng gạch không nung.
 
Để sản phẩm gạch không nung đi vào sử dụng trong các công trình của người dân, tiếp tục phát triển vật liệu xây không nung trong thời gian tới đạt kết quả và hiệu quả cao.
 
Chia sẻ về giải pháp để phát triển vật liệu xây không nung, đại diện Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết: Sở đã chỉ đạo các cấp, ngành trong việc tuyên truyền chính sách phát triển vật liệu không nung tới các doanh nghiệp, chủ đầu tư, các nhà thầu và người dân trong thành phố thay đổi thói quen sử dụng gạch đất sét nung sang sử dụng vật liệu không nung. Ưu tiên các chủ đầu tư có dự án sử dụng 100% vật liệu không nung và áp dụng bắt buộc sử dụng vật liệu không nung đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách.
 
Tiếp tục chỉ đạo UBND các quận, huyện trong việc tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, không để phát sinh hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung. Chỉ đạo cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất, các nhà thầu trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa vật liệu không nung, tuân thủ kỹ thuật thi công, chỉ dẫn kỹ thuật theo quy định. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, có giải pháp hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả.
 
Sở Xây dựng Hải Phòng tham mưu với UBND thành phố đề xuất Trung ương trong việc bổ sung thêm các dự án sản xuất vật liệu không nung (dạng tấm panel bê tông, tấm panel bê tông nhẹ, tấm 3D, tấm tường thạch cao) vào các ngành nghề được đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi về thuế.
 
Kiến nghị, đề xuất với Bộ Xây dựng trong việc xây dựng cơ chế khuyến khích sử dụng 100% vật liệu không nung nhẹ đối với các công trình cao tầng để các chủ đầu tư, nhà đầu tư có nguồn vốn đầu tư lớn tận dụng cơ hội đầu tư, giúp dự án được cơ giới hóa để vượt tiến độ từ 3-10 lần so với phương pháp thi công truyền thống.
 
Kiến nghị, đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ phân bổ quỹ chuyển giao công nghệ để hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung và tiếp tục nghiên cứu các giải pháp sản xuất vật liệu không nung phù hợp với điều kiện khí hậu từng vùng tại Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng tính cạnh trạnh với vât liệu nung truyền thông; Bộ Tài chính cần tăng mức thuế tài nguyên đối với đất sét làm gạch nung lên mức tối đa để tăng khả năng cạnh tranh của vật liệu không nung và hạn chế việc sử dụng gạch đất sét nung.
 
Kinh nghiệm các nước sử dụng nhiều vật liệu xây không nung đi trước đều cho thấy bên cạnh việc bảo đảm công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, thì nhân lực đồng bộ từ sản xuất sản phẩm, kiểm soát chất lượng, tư vấn thiết kế, thi công vật liệu xây không nung phải được các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp đào tạo cẩn thận, am hiểu sản phẩm mới, sự khác biệt giữa vật liệu xây không nung và gạch xây truyền thống thì mới thúc đẩy, nâng cao tỷ lệ sử dụng vật liệu xây không nung trong công trình xây dựng thực tế.
 
Khánh Hòa - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng