Theo các nhà khoa học, thế giới đang tạo ra khoảng 52,3 tỷ tấn chất thải/năm, có ít nhất 32,5% con số này không được xử lý an toàn. Nếu không có biện pháp giảm xả thải thì đến năm 2050, tổng lượng chất thải phát sinh trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 70 - 75% so với hiện nay.
Chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh với số lượng cao hơn nhiều so với chất thải rắn sinh hoạt. Lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường tăng đáng kể khi mức thu nhập tăng. Các quốc gia có mức thu nhập cao, phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường lên tới 43,25 kg/người/ngày, trong khi mức trung bình trên thế giới là 14,52 kg/người/ngày.
Thu gom chất thải là một bước quan trọng đầu tiên trong việc quản lý chất thải. Ở các nước thu nhập cao, tỷ lệ thu gom chất thải đạt đến 98 - 99%. Ở các quốc gia thu nhập thấp, chỉ thu gom khoảng 42 - 45% chất thải tại các thành phố và 21 - 24% bên ngoài khu vực thành thị.
Tại Việt Nam, theo Báo cáo đánh giá công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp nguy hại của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng chất thải ở Việt Nam ngày càng tăng với khối lượng phát sinh gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm. Hoạt động quản lý chất thải của Việt Nam đòi hỏi nhiều lao động và không hiệu quả, phí thu không đủ để chi trả cho chi phí vận hành thu gom và xử lý.
Còn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị khoảng 38.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn/ngày; Chất thải rắn công nghiệp phát sinh khoảng 69.000 tấn/ngày; Chất thải rắn y tế thông thường phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 403 tấn/ngày.
Sử dụng chất thải làm nhiên liệu thay thế trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang được xem là giải pháp mũi nhọn, bền vững. Trong đó, phương pháp đồng xử lý chất thải trong ngành công nghiệp xi măng là giải pháp có nhiều ưu thế, do tận dụng được các lò đốt ở nhiệt độ cao trong dây chuyền sản xuất, cho phép đốt được hầu hết các loại chất thải khác nhau, tỷ lệ thu hồi nhiệt cao và không đòi hỏi cao về việc phân loại thành phần rác, không để lại tro xỉ, an toàn với môi trường…
Công ước Basel năm 2011 định nghĩa đồng xử lý là “việc sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất vì mục đích thu hồi năng lượng và/hoặc thu hồi nguyên liệu dẫn đến giảm được nguồn nhiên liệu truyền thống và/hoặc nguyên liệu thô bằng việc thay thế”.
Đây cũng là khái niệm dùng trong sinh thái công nghiệp, liên quan đến vai trò của công nghiệp trong việc giảm thiểu những gánh nặng của môi trường thông qua phát triển vòng đời sản phẩm.
Hội nghị Basel còn định nghĩa thêm, đồng xử lý là một quá trình “có thể giúp thu hồi tài nguyên, tái chế, phục hồi, sử dụng lại trực tiếp hoặc thay thế”.
Trên tháp quản lý chất thải, đồng xử lý được đánh giá cao hơn so với các biện pháp chôn lấp hay thiêu đốt, hóa lý, chỉ sau ngăn chặn, tái sử dụng và tái chế.
Thanh Tùng - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)