Để quản lý hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực VLXD, các chuyên gia cho rằng, cần phải sớm hoàn thiện về chính sách đối với ngành sản xuất VLXD.
Thời gian qua, ngành VLXD đã có những bước tiến đáng kể, không chỉ đáp ứng nhu cầu về số lượng, chủng loại cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Để định hướng cho ngành VLXD phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục lập thẩm định, phê duyệt quy hoạch cũng như năng lực của các tổ chức tư vấn lập quy hoạch...
Tiếp đó, Nghị định 95/2019/NĐ-CP được ban hành có quy định chặt chẽ hơn về hoạt động trong lĩnh vực VLXD như: Đầu tư, sản xuất, quản lý chất lượng, kinh doanh, chính sách phát triển tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, năng lượng, thân thiện với môi trường… Những quy định này bảo đảm cân đối cung - cầu, điều tiết và duy trì sự bình ổn cho thị trường VLXD.
Mặc dù đã góp phần tích cực vào công tác quản lý nhà nước và phát triển của ngành công nghiệp VLXD nhưng hai Nghị định trên vẫn còn nhiều điểm hạn chế liên quan đến việc chưa quy định về việc xây dựng, quản lý chiến lược, kế hoạch phát triển VLXD. Những quy định về chiến lược, kế hoạch phát triển VLXD; Yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất VLXD; Quy định về sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung; Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu VLXD; Các loại dự án nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất VLXD...
Do đó cần phải có sự điều chỉnh bổ sung, làm cơ sở trong công tác quản lý, hoạch định các chính sách phát triển VLXD bền vững.
Theo Bộ Xây dựng, giá trị sản lượng của ngành công nghiệp VLXD chiếm trung bình khoảng 5 - 7% tổng GDP cả nước. Đặc biệt, có những địa phương giá trị sản xuất VLXD chiếm 10 - 20% tổng sản phẩm trên địa bàn. Trước khi xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản hợp nhất 2 Nghị định: số 24a/2016/NĐ-CP và số 95/2019/NĐ-CP, đồng thời thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Quyết định số 1109/2020/QĐ-TTg xây dựng Nghị định về quản lý VLXD theo trình tự thủ tục rút gọn.
Cùng với đó tiến hành nghiên cứu xây dựng đề cương dự thảo, rà soát lại những nội dung của Nghị định hợp nhất, tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện các nghị định, thông tư đã ban hành phù hợp với thực tế và quy định pháp luật khác, từ đó đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị định lần này.
Các chuyên gia đánh giá, dự thảo Nghị định quản lý VLXD đã cụ thể hóa được một số nội dung quan trọng về chiến lược phát triển, phân cấp hợp lý giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương; bảo đảm quản lý, kiểm soát thị trường ổn định, lành mạnh, phù hợp với xu thế hội nhập, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Nhưng cần phải chú trọng hơn nữa nội dung liên quan đến công tác nghiên cứu thị trường để có phương án sản xuất, sử dụng các loại VLXD phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Ông Thái Duy Sâm - Phó chủ tịch Hội VLXD cho rằng, cần tăng cường công tác nghiên cứu thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường khu vực, thế giới đối với từng loại sản phẩm VLXD để giúp DN có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư nâng cấp, đầu tư mới đạt được hiệu quả cao nhất, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào gây lãng phí tài nguyên, tiền vốn của đất nước và xã hội.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2050. Để hoàn thành được mục tiêu của chiến lược này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sớm hoàn thiện về chính sách đối với ngành sản xuất VLXD.
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về VLXD cũng như quản lý hiệu quả hoạt động sản xuất VLXD, bên cạnh công tác quy hoạch thì vấn đề quản lý nhà nước về hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD càng phải được chú trọng hơn. Đó cũng chính là cơ sở để các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh VLXD hoạt động đúng định hướng và mang lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, Nhà nước cần sớm cụ thể hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với VLXD mới, thiết bị sản xuất mới. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất sử dụng VLXD mới, vật liệu xanh; đồng thời hỗ trợ các DN đầu tư, đổi mới công nghệ để có thể tiếp cận với các tiêu chí phát triển của cách mạng 4.0, đưa quản lý dạng số, thân thiện với môi trường vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường…
Vân Anh - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)