Quản lý, khai thác cát bền vững cho vùng ÐBSCL

Thứ tư, 04 Tháng 11 2020 10:16 (GMT+7)
Theo chuyên gia, khai thác cát quá mức sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng nguy cấp mà ĐBSCL đang đối mặt, đặc biệt là sạt lở bờ sông. Do vậy, để duy trì và quản lý khoáng sản lòng sông một cách hiệu quả, rất cần những giải pháp mang tính bền vững.
Thời gian qua, TP Cần Thơ tăng cường phối hợp các tỉnh giáp ranh quản lý chặt hoạt động khai thác cát. Trong ảnh: Khai thác cát trên sông Hậu.
 
►Giảm trữ lượng
 
Là trung tâm nông nghiệp và vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, năng suất của ÐBSCL phụ thuộc nhiều vào nước lũ hằng năm và lượng trầm tích của sông Mekong. Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), lưu vực sông Mekong đóng góp lượng trầm tích cho ÐBSCL với tỷ lệ bồi tụ trung bình hằng năm từ 0,3-1,8mm. Ðây là đối trọng duy nhất chống lại sụt lún và mực nước biển dâng. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, lượng phù sa, bùn cát của sông Mekong đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn năm 2014.
 
Bà Trịnh Thị Long, Giám đốc dự án Quốc Gia của WWF Việt Nam, chia sẻ: Nguyên nhân của việc sụt giảm này là do các đập thủy điện và khai thác cát. Việc khai thác cát không có kiểm soát, không theo quy định để phục vụ nhu cầu xây dựng làm gia tăng sụt lún và các tác động khác như: sạt lở, nước biển dâng, xâm nhập mặn. Cùng với đó, quy định lỏng lẻo trong khai thác đã dẫn tới tỷ lệ khai thác cao hơn khả năng tự bổ sung của sông Mekong.
 
Tại TP Cần Thơ, theo quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020, thành phố có 13 khu vực khai thác cát san lấp với tổng diện tích 634ha với trữ lượng gần 14 triệu mét khối. Trong đó có 8 khu vực thuộc quận Thốt Nốt (2 mỏ hết hạn giấy phép khai thác tháng 7-2017); 2 khu vực thuộc quận Ô Môn; 1 khu vực thuộc quận Bình Thủy và 2 khu vực thuộc quận Cái Răng. Ðến năm 2030, tổng diện tích cho phép khai thác cát giảm còn 588ha với trữ lượng gần 10 triệu mét khối. Trong đó, 10 mỏ tiếp tục khai thác và 3 khu vực thăm dò khai thác mới. Trong 13 khu vực có 6 khu vực thuộc quận Thốt Nốt, 3 khu vực thuộc quận Ô Môn, 2 khu vực thuộc quận Bình Thủy và 2 khu vực thuộc quận Cái Răng.
 
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Hoạt động thăm dò, khai thác cát lòng sông trên địa bàn TP Cần Thơ đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được thực hiện đầy đủ từ việc ban hành các văn bản pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật, cập nhật thông tin kịp thời các phương tiện khai thác cát, công tác quy hoạch khoáng sản, cấp phép hoạt động khoáng sản...
 
Theo đánh giá của ngành chức năng, trữ lượng khoáng sản cát lòng sông không ổn định theo thời gian, do tác động của dòng chảy và việc cấp phép khai thác cát của các tỉnh giáp ranh trong khu vực đã ảnh hưởng đến tính ổn định của trữ lượng. Bên cạnh đó, việc lắp đặt, quản lý thiết bị giám sát hành trình của phương tiện khai thác cát, vận chuyển cát san lấp trên sông theo Nghị định số 23/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông tại các địa phương gặp nhiều khó khăn. Do chưa có quy định về tiêu chuẩn, tính năng kỹ thuật, phần mềm hệ thống giám sát, cũng như đơn vị quản lý, giám sát…
 
►Khai thác bền vững
 
Mới đây, WWF đã làm việc với một số địa phương khu vực ÐBSCL, trong đó có Cần Thơ về dự án "Giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai thông qua sự tham gia của khối công - tư trong khai thác cát bền vững vùng ÐBSCL". Dự án được thực hiện từ tháng 7-2019 đến tháng 6-2023 nhằm góp phần duy trì các chức năng sinh thái quan trọng và giảm thiểu rủi ro về kinh tế - xã hội do biến đổi khí hậu ở ÐBSCL.
 
Các đầu ra của dự án bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu ngân hàng về tổng lượng trầm tích cho ÐBSCL; tăng cường nhận thức của cộng đồng và các cơ quan ra quyết định về tác động của việc khai thác cát không bền vững, làm gia tăng thiên tai cho khu vực. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng cho các đối tác truy cập thông tin về rủi ro liên quan đến khai thác cát và thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vật liệu thay thế cát sỏi trong lĩnh vực xây dựng; xây dựng các khuyến nghị, hướng dẫn về khai thác cát bền vững và lồng ghép trong chính sách phòng, chống thiên tai và phát triển bền vững ở ÐBSCL.
Khai thác cát không kiểm soát là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng ở ĐBSCL. Trong ảnh: Sạt lở bờ sông tại quận Ô Môn năm 2019.
 
Bà Trịnh Thị Long, cho biết: Trong quá trình xây dựng dự án này, Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ÐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu ra đời và trở thành kim chỉ nam để xây dựng các nội dung, hoạt động của dự án. Một chiến dịch truyền thông về tác động của việc khai thác cát, sỏi không bền vững ở ÐBSCL cũng sẽ được WWF thực hiện nhằm thúc đẩy hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề. Việc phổ biến dữ liệu và thông tin liên quan đến tác động của việc khai thác cát sỏi thu được ở ÐBSCL sẽ làm tăng áp lực của cộng đồng đối với việc đề xuất quy định và hợp tác ở khu vực tốt hơn. Hơn nữa, dự án sẽ thúc đẩy sự tham gia và đối thoại giữa các chủ thể chính trong ngành xây dựng Việt Nam, cung cấp thông tin về các rủi ro liên quan đến khai thác cát sỏi và cơ hội tìm nguồn cung ứng bền vững để thay thế cát sỏi tại Cần Thơ nói riêng và khu vực ÐBSCL nói chung.
 
Ðể siết chặt quản lý hoạt động khai thác cát trong khu vực, ông Trần Thái Nghiêm đề xuất: Chính phủ sớm ban hành quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, về tiêu chuẩn, tính năng kỹ thuật, phần mềm hệ thống giám sát trong quản lý khai thác cát trên sông. Qua đó giúp Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương quản lý chặt chẽ khoa học, chính xác, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm khai thác trái phép. Trong đó, bắt buộc các phương tiện khai thác cát phải gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị giám sát sản lượng khoáng sản trong khai thác cát và quy định cơ quan chức năng quản lý về thiết bị giám sát hành trình. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát san lấp cho toàn tuyến sông lớn chảy qua nhiều tỉnh thành như: sông Hậu, sông Tiền và cấp phép khai thác theo lộ trình thích hợp. Việc này đảm bảo tính đồng đều về độ sâu 2 bên bờ, tránh tạo dòng xoáy cục bộ, ổn định đường bờ, tránh sạt lở, không làm mất cân bằng tự nhiên trong lưu vực sông…
 
Bài, ảnh: L. MẪN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng