Theo các chuyên gia, để thúc đẩy phát triển VLXKN, cần nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa.
Phát triển VLXKN còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, mục tiêu Chương trình là “Phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020”. Sau 10 năm triển khai Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020, năng lực sản xuất VLXKN đạt 9,4 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC)/năm, chiếm 30% tổng lượng gạch xây; công nghệ sản xuất VLXKN ngày càng hiện đại; chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao; chủng loại, mẫu mã sản phẩm VLXKN ngày càng phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đặc biệt, các DN trong nước đã chủ động trong việc chế tạo dây chuyền thiết bị sản xuất VLXKN có giá cạnh tranh với dây chuyền, thiết bị nhập khẩu. Tuy nhiên, việc phát triển chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ và nhiều công việc cần phải tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo các chuyên gia, VLXKN chưa được ứng dụng rộng rãi do nhiều nguyên nhân như: Thói quen dùng gạch của các chủ đầu tư và người tiêu dùng; giá thành sản phẩm gạch không nung còn cao so với gạch đất sét nung; đội ngũ công nhân có tay nghề, sử dụng thành thạo các công cụ chuyên dùng khi thi công các sản phẩm VLXKN còn thiếu. Đáng chú ý, các đơn vị sản xuất VLXKN chưa tiếp cận được các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển VLXKN, các nhà đầu tư chưa quan tâm đến việc sử dụng vật liệu mới trong công trình xây dựng.
Ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong nhiều nguyên nhân khiến VLXKN chưa thể cạnh tranh ngang ngửa với vật liệu truyền thống thì trong đó có nguyên nhân về công tác quản lý. Việc triển khai thực hiện các văn bản, quy định của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành của chính quyền địa phương nhiều nơi chưa nghiêm túc; Công tác thanh, kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định của nhiều địa phương còn hạn chế dẫn đến các cơ chế chính sách của Nhà nước áp dụng chưa triệt để. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm hoặc chưa có giải pháp cụ thể hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung…
Hiện, cả nước có trên 1.600 cơ sở VLXKN, với tổng công suất thiết kế khoảng 10,2 tỷ viên QTC/năm - chiếm khoảng 30% tổng công suất thiết kế sản phẩm vật liệu xây nhưng vẫn ở ngưỡng thấp so với mục tiêu của Chương trình 567. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của các cơ sở VLXKN cũng mới chỉ phát huy từ 45 - 50% công suất thiết kế.
Dưới góc độ DN, đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai - đơn vị sản xuất và thi công lắp dựng tấm tường Acotec cũng đã đề cập một số khó khăn vướng mắc liên quan đến chi phí đầu tư; rạn nứt tấm tường trong quá trình sử dụng; vấn đề bảo quản và vận chuyển tấm tường. Chi phí ban đầu cho 1 m2 tấm tường Acotec đang cao hơn so với tường xi măng cốt liệu truyền thống (tăng khoảng 10% phần gạch xây), khiến các nhà đầu tư còn e ngại trong việc lựa chọn. Hiện tượng rạn nứt tại khớp nối giữa các tấm tường là do sự thiếu cẩn thận, công tác thi công lắp dựng của công nhân không đảm bảo đúng quy trình lắp dựng…
Đại diện một số Sở Xây dựng cũng cho rằng, quá trình triển khai thực hiện Chương trình 567 tại các tỉnh, thành phố tồn tại một số hạn chế do chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế, thi công và nghiệm thu riêng cho tường xây bằng gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt và gạch xi măng cốt liệu; chưa có giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát chặt chẽ về giá của các sản phẩm VLXKN; chưa có nhiều DN sản xuất VLXKN có hệ thống nhân lực và bộ phận kỹ thuật đủ năng lực…
Giải pháp tháo gỡ
Để thúc đẩy phát triển VLXKN, Bộ Xây dựng đề xuất Nhà nước hỗ trợ kịp thời về vốn vay đầu tư, vốn để sản xuất, kinh doanh, chính sách ưu đãi thuế nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh, sử dụng VLXKN. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp về khoa học công nghệ, xây dựng, công bố và ban hành đầy đủ tiêu chuẩn liên quan đến sản phẩm vật liệu xây không nung, thiết kế, thi công, nghiệm thu… các công trình sử dụng VLXKN…
Đồng quan điểm trên, PGS.TSKH Bạch Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng VLXD Nhiệt Đới (Đại học Xây dựng) thì cho rằng: Nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXKN còn chưa đầy đủ, các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm. Một số nhà máy do hiểu biết về các tính năng kỹ thuật của sản phẩm chưa đầy đủ nên công tác bảo quản sản phẩm và vận chuyển chưa đúng quy trình đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đưa vào công trình. Do đó, cần phải nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm đối với gạch xây không nung mới mong cạnh tranh được trên thị trường xây dựng. Đó là bài toán khó phải giải.
Do đó, để thúc đẩy sử dụng gạch không nung tại các công trình xây dựng, đặc biệt là những dự án lớn, các chuyên gia nhận định cần phải hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn thi công và định mức xây dựng khi sử dụng VLXKN. Tăng cường đôn đốc các địa phương nghiêm túc thực hiện Quyết định 567/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tăng cường sản xuất VLXKN bảo đảm cả về số lượng và chất lượng sản phẩm…
Ngoài ra, các địa phương tăng cường công tác thanh kiểm tra việc thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về sử dụng VLXKN; Các DN sản xuất gạch không nung phải tăng cường nghiên cứu hoàn chỉnh công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học, khắc phục nhược điểm trong quá trình sản xuất…
Linh Anh - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)