Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đã nêu ra các mục tiêu phát triển cho ngành Vật liệu xây dựng của nước ta trong giai đoạn 2021 – 2030.
Ngày 18/8/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 1266/QĐ–TTg phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Chiến lược lần này có 3 mục tiêu tổng quát chính. Một là phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.
Hai là loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Ba là xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế; hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Ngoài ra, mỗi chủng loại vật liệu xây dựng lại có những mục tiêu cụ thể về đầu tư, công nghệ, khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, sản phẩm và xuất khẩu trong từng giai đoạn khác nhau. Mục tiêu chung là đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã và nâng cao chất lượng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để làm được điều này, các ngành cần phải áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến với mức tự động hóa cao nhằm đảm bảo sản phẩm đủ số lượng, chất lượng cao và ổn định. Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất sẽ giúp đạt các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể về tiêu hao nhiệt năng, điện năng và khí phát thải ra môi trường.
Bên cạnh đó, các ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng phải chú ý vấn đề khai thác sử dụng tài nguyên. Mục tiêu chung là khai thác tiết kiệm khoáng sản; tận thu phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu và phụ gia cho quá trình sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung công suất lớn và chuyên môn hóa từ khâu khai thác đến gia công chế biến sản phẩm.
Mục tiêu bảo vệ môi trường cũng rất quan trọng. Tất cả các ngành sản xuất vật liệu xây dựng đều phải có hệ thống xử lý chất thải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là hệ thống quan trắc nước thải, khí thải, nồng độ bụi và kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý môi trường tại địa phương. Riêng cát và đá xây dựng phải tiến hành cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật trong khai thác, chế biến khoáng sản.
Mục tiêu cụ thể của từng ngành
Tính đến năm 2025, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất xi măng không vượt quá 125 triệu tấn/năm; gạch gốm ốp lát không quá 850 triệu m2/năm; sứ vệ sinh không vượt quá 30 triệu sản phẩm/năm; kính xây dựng không quá 350 triệu m2 quy tiêu chuẩn/năm; gạch đất sét nung không vượt quá 25 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm.
Nhiệm vụ bảo vệ môi trường đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu phát triển của ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Đến năm 2030, tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất xi măng không vượt quá 150 triệu tấn/năm; gạch gốm ốp lát không quá 950 triệu m2/năm; sứ vệ sinh không vượt quá 40 triệu sản phẩm/năm; kính xây dựng không quá 400 triệu m2 QTC/năm; gạch đất sét nung không vượt quá 30 tỷ viên quy tiêu chuẩn/năm.
Cũng trong giai đoạn 2021 – 2030, quy mô một cơ sở sản xuất đá ốp lát tự nhiên phải lớn hơn 20.000 m2/năm. Ngành vôi công nghiệp chỉ xem xét đầu tư lò có công suất lớn hơn 200 tấn vôi/ngày và đến năm 2030 phải đạt trình độ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Sản lượng vật liệu xây không nung cần gia tăng tỷ trọng so với tổng lượng gạch xây khoảng 35 - 40% vào năm 2025 và 40 - 45% vào năm 2030. Nhưng việc sử dụng cát tự nhiên trong xây dựng cần hạn chế tối đa. Thay vào đó là nâng cao tỷ lệ sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp, xây dựng và cát nước lợ lên tối thiểu 60% tổng lượng cát dùng trong xây dựng.
Đối với vật liệu lợp, cần khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu lợp thông minh, tiết kiệm năng lượng, an toàn với sức khỏe, thân thiện môi trường và bền trong môi trường biển đảo. Ngành đá xây dựng cần sắp xếp lại các cơ sở khai thác, chế biến đá có quy mô nhỏ và không đầu tư các dự án sản xuất đá các vị trí trọng yếu như chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến đường quốc lộ, các khu vực ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng…
Ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam cần sản xuất các sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế để hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Trong khi đó, ngành bê tông cần tiếp tục đầu tư các trạm trộn bê tông thương phẩm thay thế chế tạo bê tông thủ công và đẩy mạnh đầu tư các nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông các loại (bê tông nhẹ, bê tông phục vụ công trình ven biển và hải đảo...) để phục vụ nhu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.
Hữu Mạnh (Ảnh: Internet) - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)