Nhu cầu phát triển nhân lực ngành Xây dựng của Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.
Ngành Xây dựng đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới đòi hỏi có thêm nhiều công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, thương mại… Do đó, nhu cầu nhân lực của ngành Xây dựng trong thời gian tới sẽ rất lớn.
Báo cáo đánh giá về thực trạng chất lượng nhân lực ngành Xây dựng của Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, cả nước hiện nay có hơn 7 triệu lao động đang làm việc trong ngành Xây dựng. Trong số này, có hơn 1 triệu người tham gia sản xuất trong ngàng Vật liệu xây dựng.
Trong thời gian tới, khi nhu cầu xây dựng của Việt Nam ngày càng tăng cao, số lượng lao động của ngành Xây dựng nói chung và ngành Vật liệu xây dựng nói riêng sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Nhiều chuyên gia trong ngành Xây dựng đưa ra dự báo, nhu cầu nhân lực của ngành xây dựng sẽ tăng thêm khoảng 400.000 – 500.000 lao động mỗi năm. Với tốc độ phát triển như hiện nay thì số lượng lao động làm việc trong ngành Xây dựng vào năm 2030 có thể đạt tới con số khoảng 12 – 13 triệu người. Nhân lực của ngành Vật liệu xây dựng dự kiến cũng sẽ tăng lên gần 3 triệu người.
Không chỉ gia tăng về số lượng, ngành Xây dựng còn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời đại mới. Hiện nay, tỷ lệ nhân lực ngành Xây dựng qua đào tạo ở Việt Nam đạt khoảng 65%. Mục tiêu đến năm 2030 là tăng tỷ lệ lao động ngành Xây dựng qua đào tạo đạt mức khoảng 75%.
Thực tế cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực ngành Xây dựng của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nhiều công trình lớn ở nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhân lực của nước ngoài, kể cả lực lượng thiết kế, giám sát và vận hành thiết bị tiên tiến như công trình giao thông ngầm, công trình hóa chất phức tạp… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp xây dựng Việt Nam không thể cạnh tranh khi đấu thầu các dự án trong và ngoài nước.
Số liệu thống kê của Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị Bộ Xây dựng cho biết, số lượng công nhân chỉ nhiều hơn gấp 2 lần so với số lượng cán bộ, viên chức. Năng lực và tính chuyên nghiệp của đội ngũ công nhân cũng được đánh giá là còn nhiều hạn chế. Số lượng lao động có trình độ Cao đẳng, Trung cấp nghề chỉ chiếm tỷ lệ 11,8%; số thợ bậc cao (bậc 6,7) chỉ chiếm khoảng 7% nhân lực ngành Xây dựng.
Trong hoàn cảnh này, nhiệm vụ nâng cao chất lượng ngành nhân lực là rất quan trọng để phát triển năng lực của ngành Xây dựng nói chung và ngành Vật liệu xây dựng nói riêng, trong thời gian tới.
Ngày 18/08/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1266/QĐ-TTg để phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Nội dung chiến lược có nêu rõ một số giải pháp cụ thể nhằm phát triển nhân lực cho ngành Vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
Một là chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp. Hai là đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn cao. Ba là đào tạo nhân viên kỹ thuật và đội ngũ công nhân lành nghề, có khả năng nắm bắt công nghệ mới, làm chủ dây chuyền sản xuất hiện đại, chủ động trong công tác thiết kế, phát triển sản phẩm mới. Bốn là đào tạo đội ngũ nhân viên kinh doanh có trình độ, kỹ năng, có khả năng hội nhập quốc tế.
Chất lượng nhân lực ngành Xây dựng Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong đó, Bộ Xây dựng cần kết hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để lập kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Vật liệu xây dựng theo định hướng quy hoạch tổng thể và các quy hoạch phát triển chuyên ngành.
Đặc biệt, hai Bộ cần tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa hình thức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chủ yếu và vật liệu xây dựng mới.
Dịch Phong (Ảnh: Internet) - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)