Trụ vững để tăng trưởng
Tổng sản phẩm tiêu thụ XM, clinker toàn xã hội (gồm cả xuất khẩu) quý I/2021 đạt 21,6 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ, trở thành điểm sáng trong bức tranh tiêu thụ vật liệu xây dựng. Trong đó, tiêu thụ nội địa quý I/2021 đạt 13,48 triệu tấn, tương đương cùng kỳ; xuất khẩu XM đạt 3,59 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ; xuất khẩu clinker đạt 4,53 triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng tháng 3/2021, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 8,87 triệu tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 5,02 triệu tấn.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 3/2021, giá bán XM tại thị trường nội địa ổn định hơn so với tháng 2. Lượng XM tồn kho cả nước trong 3 tháng đầu năm khoảng 4,6 triệu tấn, tương đương 20 - 25 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Theo TS Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, quý I hàng năm đều trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán nên thị trường XM quý I không tăng trưởng cao, năm nay cũng vậy, tiêu thụ nội địa đạt tương đương so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc thù trong thị trường tiêu thụ XM có hai “điểm rơi” đó là dịp Tết Nguyên đán và mùa mưa, cũng là lúc tiêu thụ XM chậm nhất. Tuy nhiên, ông Cung cho hay, 3 tháng đầu năm chưa thể khái quát bức tranh toàn cảnh, chưa nói lên điều gì.
Dự báo về tiêu thụ XM nội địa thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhấn mạnh: Từ quý II/2021, thị trường XM tiếp tục ổn định, phát triển tốt. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 tại Việt Nam được ngăn chặn hiệu quả cùng với việc tái khởi động lại các dự án BĐS, xây dựng và đà phục hồi chung của nền kinh tế, sản lượng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm XM được kỳ vọng sẽ tăng. Đặc biệt, sau Đại hội Đảng thành công, Đảng và Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng cho đất nước, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, hàng loạt các dự án đầu tư công như cao tốc Bắc - Nam hay đường vành đai ở các thành phố lớn sẽ được xây dựng, thúc đẩy tăng trưởng ngành Xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu thụ XM sẽ tăng.
Ngành Xi măng Việt Nam hiện có 90 dây chuyền sản xuất, với tổng công suất 106,6 triệu tấn/năm nhưng thực tế có thể sản xuất 122 triệu tấn/năm.
Tiêu thụ nội địa và phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước vẫn là đích nhắm của đa số các DN sản xuất XM trong nước.
Xuất khẩu tăng
Mặc dù, nhiều nước trên thế giới vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 nhưng xuất khẩu XM quý I/2021 của Việt Nam tiếp tục tăng, đạt 3,59 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ; xuất khẩu clinker đạt 4,53 triệu tấn, tăng 7,3% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đến 15/3, kim ngạch xuất khẩu XM và clinker đạt 295 triệu USD, tăng 14%. Giá bình quân xuất khẩu XM và clinker giảm so với cùng kỳ 2020 đạt 36,4 USD/tấn (năm 2020 trên 39 USD/tấn). Trung Quốc là thị trường xuất khẩu XM và clinker lớn nhất của Việt Nam với sản lượng hơn 2,4 triệu tấn, kim ngạch gần 80 triệu USD, tăng 35,7% về lượng nhưng chỉ tăng 23% về kim ngạch, so với cùng kỳ năm 2020 (tính đến hết tháng 2/2021).
Một khó khăn khi xuất khẩu đó là: Nhiều thị trường chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ XM Việt Nam nên đã gia tăng thuế tự vệ để bảo vệ sự phát triển của ngành công nghiệp xi măng trong nước như Philipines (áp thuế nhập khẩu khoảng 5% giá bán) hay Bangladesh (áp thêm 8% GTGT từ mức 15% lên 23%)… Dẫu khó khăn, nhưng với kinh nghiệm dày dặn trong xuất khẩu, các DN XM Việt Nam đang tiếp tục tìm kiếm mở rộng thị trường. Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam chia sẻ: Ngoài Trung Quốc và các thị trường truyền thống, xuất khẩu XM Việt Nam đang hướng đến thị trường Mỹ với rất nhiều tiềm năng, nhu cầu lớn.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán FPTS, trong 10 năm từ 2010 - 2019, sản lượng XM xuất khẩu trong ngành đã tăng gấp 30 lần, đóng góp 32% tổng tiêu thụ toàn ngành, đưa Việt Nam nằm trong danh sách quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu XM.
|
Vũ Huyền - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)