Đâu là giải pháp ổn định thị trường thép?

Thứ sáu, 30 Tháng 4 2021 17:12 (GMT+7)
Trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến, vấn đề đi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, công ty xây dựng đang được các cơ quan quản lý Nhà nước đặc biệt quan tâm. Để làm rõ nguyên nhân cũng như một số giải pháp nhằm ổn định tình hình cung cầu và giá thép xây dựng, Báo điện tử Xây dựng đã có buổi trò chuyện với ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng).
dau la giai phap on dinh thi truong thep
Mất cân đối về cung - cầu trên thị trường thép xây dựng là nguyên nhân đầu tiên của việc gia tăng giá thép (Ảnh: Hải Đăng).
 
Giá thép có xu hướng tăng nhẹ từ đầu tháng 12/2020 và kéo dài đến đầu năm 2021. Từ tháng 12/2020 đến thời điểm hiện tại, giá thép xây dựng trong nước tăng nhanh, giá thép thành phẩm tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 11/2020; trung bình tăng 20 - 25% so với quý III/2020 và tăng 15 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và hoạt động sản xuất có sử dụng thép gây sự xáo trộn trong nền kinh tế xã hội.
 
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, dù thị trường trong nước khan hiếm, nhưng xuất khẩu phôi thép và thép thành phẩm của Việt Nam lại tăng mạnh so với năm ngoái cho thấy sự mất cân đối trong ưu tiên thị trường xuất khẩu so với thị trường trong nước. Đặc biệt một số năm gần đây, Việt Nam gần như không nhập khẩu phôi thép mà chủ yếu chuyển sang xuất khẩu phôi thép với năng lực của các doanh nghiệp ngày càng tăng. Ngoài ra, năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Mất cân đối về cung - cầu trên thị trường thép xây dựng là nguyên nhân đầu tiên của việc gia tăng giá thép.
 
Giá nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất thép tăng cao bất thường và liên tục thiết lập mốc giá mới (tăng khoảng 30% so với thời điểm đầu năm 2020) là nguyên nhân thứ hai làm tăng giá thép. Trong tháng 12/2020, giá thép phế liệu nội địa tăng mạnh từ 700 - 900 đồng/kg, giữ mức 7.600 đến 7.800 đồng/kg, giá thép phế liệu nhập khẩu tăng 37 USD/tấn giữ mức 350 USD/tấn cuối tháng 12/2020. Giá phôi thép nhập khẩu tăng mức 44 USD/tấn giữ mức 494 đến 496 USD/tấn. Giá phôi nội địa tăng 1.000 - 1.200 đồng/kg, giữ mức 11.400 đến 11.600 đồng/kg. Giá thép cuộn cán nóng HRC ở mức 592 USD/tấn. Giá thép cuộn cán nóng đạt mức 700 USD/tấn. Đến đầu tháng tháng 3/2021, giá quặng sắt ghi nhận ở mức 170 USD/ tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/ tấn, tăng hơn 10% so với cuối năm 2020 và 44% so với cùng kỳ năm trước.
 
Để đảm bảo cho thị trường đầu tư ổn định, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các Bộ, UBND cấp tỉnh, các tập đoàn, tổng công ty chịu tác động của biến động giá thép và dịch Covid-19, đề nghị đánh giá và báo cáo thông tin về Bộ Xây dựng làm cơ sở để tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ các phương án hướng dẫn công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình do ảnh hưởng của biến động giá vật liệu và dịch bệnh trên phạm vi cả nước trong trường hợp cần thiết.
 
Ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Biến động giá vật tư, vật liệu vượt quá mức dự phòng là một rủi ro trong quy định hợp đồng dân sự và hợp đồng xây dựng, trách nhiệm giải quyết rủi ro được quy định trong hợp đồng giữa nhà thầu và Chủ đầu tư, nhà nước không thể bù lỗ trong trường hợp này. Trong xây dựng có lợi nhuận định mức khoảng 5,5 - 6%/chi phí xây dựng, chi phí quản lý cũng từ 5 - 7%, còn chưa kể lợi nhuận nhận được do nhà thầu, công ty tối ưu hóa quá trình sản xuất, quản lý.
 
Tỷ trọng chi phí thép xây dựng trong giá trị công trình chiếm khoảng 12 - 16% tùy vào loại và quy mô công trình. Từ đó, nếu giá thép biến động 10% thì giá công trình tăng lên 1%, thậm chí giá thép tăng 30 - 40% thì nó chỉ tác động 3,6 - 6,4%. Ngoài ra, giá hợp đồng đã bao gồm chi phí dự phòng phát sinh khối lượng và dự phòng phát sinh do trượt giá.
 
Do đó, nếu nhà thầu không đánh giá hết rủi ro như việc biến động giá thép bất thường thì chi phí cho rủi ro này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, chi phí quản lý… của họ hoặc lỗ trong khoảng 3,6 - 6,4% giá công trình. Đấy là chi phí rủi ro nhà thầu phải chịu theo quan hệ hợp đồng, Nhà nước không thể bù trừ cho các doanh nghiệp, nhà thầu về khoản lỗ này được trừ trường hợp nhà nước có giải pháp chính sách nhằm bình ổn thị trường do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định trên cơ sở tham mưu của Bộ Xây dựng.
 
Nhìn lại lịch sử, năm 2008 thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn bù giá cho 13 loại vật liệu có giá tăng đột biến. Tuy nhiên, giai đoạn đó hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ như hiện nay và do bối cảnh thị trường, cơ cấu vốn đầu tư xây dựng chủ yếu sử dụng vốn đầu tư công và yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng cấp bách phục vụ phát triển nền kinh tế yêu cầu nhà nước phải có chính sách điều chỉnh thị trường tránh bị ngưng trệ.
 
Hiện nay, đầu tư xây dựng chiếm khoảng 65 - 70% vốn đầu tư công, đặc biệt trong nhiệm kỳ này chúng ta đang đẩy nhanh việc thực hiện các dự án, công trình trọng điểm. Như vậy, việc tăng giá thép sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng giá gói thầu và hợp đồng xây dựng làm phá vỡ kế hoạch vốn đã dự trù và phê duyệt cho nhiệm kỳ, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư trung hạn của giai đoạn 2021 - 2025 và làm giảm hiệu quả đầu tư dự án. Giá thép tăng dự kiến tác động tăng từ 3-7% trong vốn trung hạn.
 
Con số này nếu của 1 dự án sẽ không vấn đề gì nhưng của tổng toàn bộ đầu tư công nó sẽ tác động đến thâm hụt ngân sách, ảnh hưởng đến chính sách tài khoá. Việc quản lý các gói thầu đã ký hợp đồng trước thời điểm tăng giá thép xây dựng sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói chỉ được điều chỉnh khi điều chỉnh dự án hoặc Nhà nước thay đổi chính sách có tác động trực tiếp đến hợp đồng chứ không có trường hợp nào biến động giá mà hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định được điều chỉnh. Biến động giá là rủi ro mà khi nhà thầu dự thầu phải dự phòng được còn nếu không dự phòng được thì rủi ro bên nào không kiểm soát được thì bên đó chịu.
 
“Nghĩa là tác động giá thép rất xấu, kỳ này nhiều dự án chiếm tỷ trọng rất lớn, là năm bản lề để phát triển kinh tế xã hội, vì vậy các giải pháp ổn định thị trường cần kịp thời, quyết liệt thực hiện nhưng cần phải hết sức thận trọng. Trước mắt, UBND cấp tỉnh thực hiện theo thẩm quyền về điều tra và công bố giá thép xây dựng, cập nhật và bám sát diễn biến giá thị trường của địa phương nhưng lưu ý rằng việc điều tra giá thị trường phải được thực hiện đúng phương pháp, thực hiện một cách chặt chẽ, để tránh việc đầu cơ, thổi giá làm lũng loạn thị trường vật liệu xây dựng, ảnh hưởng đến thị trường xây dựng.
 
Theo đó, nếu các địa phương chỉ căn cứ vào giá công bố, giá chào bán để khảo sát thu thập và tính bình quân để đưa vào báo giá thì chưa xác định được giá thị trường đúng bản chất vì khi đó mức giá khảo sát được chưa có sự tham gia của người mua, điều này sẽ dẫn đến tích lũy đầu cơ và làm tăng giá do yếu tố kỳ vọng rất là lớn. Một trường hợp khác, nếu các địa phương thực hiện khảo sát có số mẫu, quy mô không đúng không phản ánh được thực chất của thị trường thì tiếp tục sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế” – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng thông tin thêm.
 
Ngoài ra, theo ông Hoàng Anh Tuấn: Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ sau khi tổng hợp thông tin từ báo cáo của các địa phương, các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng, các Tập đoàn; Tổng Công ty, các doanh nghiêp xây dựng, phân tích, đánh giá cụ thể và đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo ổn định thị trường xây dựng.
 
Có thể thấy rằng, trách nhiệm bình ổn giá thép trong báo cáo của Bộ Công Thương thì trách nhiệm thuộc về Chính phủ, còn việc giá thép tăng đột ngột mà trong quá trình ký kết hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công không lường trước được thì thiệt thòi đó thuộc về nhà thầu thi công và quan hệ hợp đồng đó do hai bên giải quyết, nhà nước không phải can thiệp. Tuy nhiên, năm 2008 thực hiện chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn bù giá cho 13 loại vật liệu có giá tăng đột biến trong đó có giá thép.
 
Dư luận cho rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để xảy ra tình trạng biến động giá thép như hiện nay đã tác động trực tiếp đến tiến độ, hiệu quả đầu tư làm tăng dự toán đã được phê duyệt đối với các công trình đầu tư xây dựng. Từ đó khiến cho nhiều nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng tiến đến bờ vực “phá sản”, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người lao động.
 
Việc tăng giá thép là tình trạng bất khả kháng xảy ra, Chính phủ và các Bộ ngành quản lý Nhà nước không thể không có trách nhiệm. Với tình hình trên thì Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng cần sớm tổng kết và trình xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc bù giá thép cho các công trình xây dựng.
 
Duy Nguyên - (baoxaydung.com.vn)
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng