Nhà hàng “to nhất huyện” xây dựng trái phép, tồn tại gần 15 năm

Thứ bảy, 18 Tháng 3 2023 11:12 (GMT+7)
Một nhà hàng bề thế, xây dựng trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản đã tồn tại gần 15 năm qua, nhưng chính quyền địa phương ngó lơ việc xử lý dứt điểm vi phạm.
 
Nhà hàng Chang Chang của hộ ông Lê Thế Sự (SN 1966) - xây dựng trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản tại thôn Lương Yến, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình - đã tồn tại gần 15 năm qua. Đến nay, nhà hàng vẫn hoạt động bình thường như "không hề vi phạm" khiến dư luận bất bình.
 
Nhà hàng to nhất huyện xây dựng trái phép, tồn tại gần 15 năm - Ảnh 1.
Cổng đi vào Nhà hàng Chang - ảnh Hoàng Phúc
 
Theo tìm hiểu, năm 2009, ông Lê Thế Sự tự ý cho đổ đất, san lấp phần lớn diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản giáp Quốc lộ 1A - tại khu vực thôn Lương Yến, xã Lương Ninh - để cải tạo mặt bằng và xây dựng một nhà hàng hoành tráng tổ chức hoạt động kinh doanh, ăn uống khiến ai đi qua cũng trầm trồ.
 
Thời điểm đó, UBND xã Lương Ninh đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và xác định ông Lê Thế Sự tự ý san lấp, xây dựng công trình dãy nhà hàng, khuôn viên với diện tích 2.340m2 trên đất nuôi trồng thủy sản, khi chưa chuyển đổi mục đích. 
 
Tuy nhiên, UBND xã Lương Ninh chỉ lập biên bản nhưng không có động thái ngăn chặn khiến hàng ngàn m2 đất nuôi trồng thủy sản bị "hô biến" thành một nhà hàng rộng lớn và hoạt động rầm rộ.
 
Người dân địa phương cho biết thời điểm nhà hàng Chang Chang mới đi vào hoạt động, ôtô ra vào tấp nập cả ngày lẫn đêm. 
 
Nhiều người ví von đây là nhà hàng "to nhất huyện" vì chuyên đón khách "VIP" và cũng là nơi chủ yếu để tiếp khách, phục vụ cho lãnh đạo, cán bộ, chủ doanh nghiệp… tại huyện Quảng Ninh.
 
Nhà hàng to nhất huyện xây dựng trái phép, tồn tại gần 15 năm - Ảnh 2.
Một nhà hàng rộng lớn, bề thế nhưng xây trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản và tồn tại 15 năm qua khiến dư luận khó hiểu - Ảnh Hoàng Phúc
 
Năm 2019, tức sau 10 năm đi vào hoạt động, nhà hàng Chang Chang tiếp tục lấn chiếm, cơi nới, mở rộng thêm diện tích và xây dựng thêm các hạng mục kiên cố bằng bê tông. UBND xã Lương Ninh lại một lần nữa kiểm tra và tiến hành lập biên bản.
Tháng 4 cùng năm, UBND huyện Quảng Ninh ra quyết định xử phạt ông Lê Thế Sự với mức 4 triệu đồng, vì lấn chiếm đất phi nông nghiệp với diện tích hơn 72m2 và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm; trả lại diện tích lấn chiếm, với thời hạn 10 ngày. Nếu không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.
 
Thế nhưng, chủ nhà hàng Chang Chang chỉ nộp phạt 4 triệu đồng. Đóng xong tiền phạt thì không chấp không chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm, mà để tồn tại 4 năm qua. Cơ quan chức năng huyện Quảng Ninh cũng "bỏ quên" việc xử lý vi phạm khiến dư luận bức xúc, hoài nghi..
 
Nhà hàng to nhất huyện xây dựng trái phép, tồn tại gần 15 năm - Ảnh 3.
Giáp với Quốc lộ 1, nhà hàng Chang Chang được xem là "to nhất huyện" Quảng Ninh, Quảng Bình - ảnh Hoàng Phúc.
 
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Tam - Chủ tịch UBND xã Lương Ninh - thừa nhận nhà hàng Chang Chang tự ý san lấp mặt hồ nuôi trồng thủy sản và xây dựng trái phép gần 15 năm qua.
 
"Thời điểm phát hiện, chính quyền địa phương đã 2 lần lập biên bản vào các năm 2009 và 2019. Đồng thời báo cáo UBND huyện, còn việc ngăn chặn hay xử lý dứt điểm vi phạm thì thuộc thẩm quyền của huyện, vượt quá thẩm quyền của xã" - ông Tam nói lý do.
 
Ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cũng thừa nhận đây là hậu quả do "lịch sử để lại" vì thời điểm nhà hàng Chang Chang xây dựng trái phép thì ông đang nhận nhiệm vụ khác. Năm 2019, chính ông là người phát hiện ra việc chủ nhà hàng tự ý lấn chiếm đất, cơi nới và xây dựng trái phép hơn 72m2, nên đã yêu cầu UBND xã Lương Ninh lập biên bản và huyện ra quyết định xử phạt.
 
"Biết là công trình vi phạm nhưng thời gian qua do COVID-19 kéo dài, nhà hàng phải đóng cửa hơn 3 năm và mới hoạt động vài tháng trở lại đây… Nhà hàng này hiện đang nằm trong phạm vi thu hồi đất để nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị phía Nam Đồng Hới. Việc này UBND tỉnh đã có chủ trương" – ông Đông giải thích.
 
 

Bài viết mới nhất của Ngành Vật liệu xây dựng - Xây dựng