Theo đó, hơn 1 năm qua, việc triển khai thí điểm mô hình Chính quyền điện tử tại các xã, phường, thị trấn bước đầu tạo hiệu quả rõ nét trong giải quyết công việc cho các cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật, hạn chế phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch với các cơ quan công quyền.
Phường 4, TP. Mỹ Tho là một trong những đơn vị được chọn thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền điện tử.
ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Đa số các xã, phường, thị trấn được chọn thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền điện tử đã và đang tạo được nhiều chuyển biến trong xây dựng Chính quyền điện tử, qua đó giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Nhiều dịch vụ công được thực hiện trên nền tảng mạng. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động tại các xã, phường, thị trấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ và người dân trong giải quyết công việc, giảm thời gian đi lại và các chi phí không cần thiết.
Chẳng hạn như trước đây văn bản chỉ đạo từ huyện đưa xuống xã hay báo cáo từ xã gửi lên huyện phải mất vài ngày, thì nay chỉ vài giây “nhấp chuột” là cơ sở đã nhận được văn bản chỉ đạo của cấp trên, ngược lại cấp trên cũng nhận được ngay kết quả từ cơ sở, từ đó có nhiều thời gian để xử lý công việc hơn.
Phường 1, TX. Cai Lậy là một trong những phường trên địa bàn tỉnh được chọn thực hiện mô hình Chính quyền điện tử.
Chủ tịch UBND phường 1 Võ Văn Ó cho biết: “Ngay khi được chọn thí điểm thực hiện mô hình Chính quyền điện tử, phường 1 được đầu tư trang bị máy vi tính, máy scan, hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân cũng như bố trí màn hình tivi để hiển thị lịch công tác của lãnh đạo UBND phường và công khai các thủ tục hành chính”.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, năm 2019, Tiền Giang đã hoàn thành việc trang bị đồng bộ phần mềm Quản lý văn bản và điều hành cho 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã.
Kết nối liên thông giữa Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với các hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của các bộ, ngành, địa phương thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia đã hoạt động ổn định và đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28 ngày 12-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, hiệu quả của việc áp dụng phần mềm một cửa điện tử cũng chính là nội dung quan trọng góp phần xây dựng Chính quyền điện tử. Khi áp dụng phần mềm một cửa điện tử giúp các cá nhân, tổ chức và doanh nhiệp có điều kiện thuận lợi hơn để trao đổi với các cơ quan nhà nước.
Việc áp dụng phần mềm một cửa điện tử tại các xã, phường, thị trấn đã giúp cho việc tra cứu thông tin nhanh chóng, huy động được nhân dân tham gia và giám sát cán bộ trong cải cách các thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch UBND phường 4, TP. Mỹ Tho Huỳnh Hữu Phúc cho biết, phường 4 là phường được chọn thực hiện thí điểm mô hình Chính quyền điện tử và khi sử dụng quy trình một cửa điện tử vào công tác quản lý đã góp phần cải cách các thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý công việc, thời gian đi lại của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện kiểm soát các công việc của cấp lãnh đạo đối với bộ phận chức năng của các cơ quan nhà nước một cách thuận tiện.
TỪNG BƯỚC KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ
Mặc dù mô hình Chính quyền điện tử bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, song việc triển khai thực hiện Chính quyền điện tử vẫn còn nhiều bất cập.
Anh Võ Văn Tú, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường 4, TP. Mỹ Tho cho rằng: “Khi thực hiện Chính quyền điện tử thì công việc của cán bộ tiếp nhận cập rập hơn, bởi giải quyết 1 hồ sơ phải nhập liệu từ 3 - 4 phần mềm. Trước khi nhập liệu phải scan hồ sơ nên cán bộ phường phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện. Để Chính quyền điện tử phát huy được hiệu quả thì cần tổng hợp, thống nhất lại tất cả các phần mềm thành 1 phần mềm”.
Cùng với đó, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các đơn vị còn rất thấp so với yêu cầu, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng chưa cao.
Nguyên nhân là do tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là người dân chưa quen thao tác trên máy vi tính; đồng thời, việc gửi hồ sơ trực tuyến qua mạng sẽ làm cho cán bộ tiếp nhận rất khó xác minh được hồ sơ đó đúng hay không.
Anh Nguyễn Tuấn Khanh, công chức Văn phòng -
Thống kê của UBND phường 4, TP. Mỹ Tho cho biết: “Thực tế nhìn nhận, bước đầu triển khai thực hiện mô hình Chính quyền điện tử còn gặp rất nhiều khó khăn. Muốn phát huy hiệu quả mô hình này cần phải có thời gian cũng như đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho công việc…”.
Hiện nay, nhiều ứng dụng CNTT thiếu đồng bộ. Nhiều xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên sử dụng, cập nhật dữ liệu cho các ứng dụng nền tảng Chính quyền điện tử cấp tỉnh và các ứng dụng chuyên ngành nên hiệu quả khai thác, sử dụng thấp.
Nhiều mạng LAN cấp xã chưa được quan tâm, lạc hậu, chắp nối, chưa hoàn thiện, còn thiếu các trang thiết bị như máy quét, máy in…
Do đó, không đáp ứng được các yêu cầu triển khai các ứng dụng nền tảng Chính quyền điện tử. Việc ứng dụng chữ ký số, trao đổi văn bản điện tử theo quy định còn chậm, làm tăng chi phí in ấn và thời gian luân chuyển hồ sơ, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết hồ sơ.
Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc, từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có những giải pháp từng bước khắc phục khó khăn, hạn chế.
Theo đó, qua hơn 1 năm triển khai thí điểm mô hình Chính quyền điện tử hầu như không còn gói gọn trong các xã, phường, thị trấn được chọn thực hiện mà hầu hết các đơn vị, cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đều đang thi đua thực hiện Chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, góp phần thực hiện Kế hoạch 328 của UBND tỉnh về việc xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.