Rau thủy canh trồng theo công nghệ Israel tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa.
* Không đứng ngoài cuộc chơi
Tôi gặp chị Lâm Việt Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa (quận Bình Thủy) vào những ngày cuối năm 2019. Chị là một trong những DN đại diện cho bộ mặt nông nghiệp công nghệ cao của thành phố, cũng được mệnh danh là “bà trùm” rau sạch miền Tây. Gặp tôi, chị khoe: “Cả khu này (3.000m2) có tất cả hơn 100 loại rau. Đó là những loại rất quen thuộc với người Việt: xà lách, cải ngọt, rau muống, rau dền… đến các loại mới lạ có nguồn gốc từ châu Âu như: Oeakleaf (đỏ, xanh), Romaine (đỏ, xanh), cải keo, xà lách mỡ, Rocket… Tất cả rau ở đây được trồng rau theo công nghệ thủy canh hồi lưu của Israel. Ngoài ra, chúng tôi cũng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để theo dõi nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm để có được những vụ rau bội thu!”.
Ông Ngô Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa-PHUSA Biochem (quận Cái Răng), cũng có những chia sẻ tâm đắc về hành trình đưa “Công nghệ Việt phục vụ sinh học Việt”. Ông Nam bộc bạch: “Tôi có thời gian dài học tập tại Pháp rồi sau đó sang Mỹ làm việc và quyết định về nước thành lập công ty vào năm 2008. Với phương châm “nắm vững khoa học, tự chủ công nghệ, chất lượng sản phẩm là niềm tin của khách hàng”, các sản phẩm liên quan đến sinh học phân tử (Oligo/primer, Probe, hóa chất PCR…), dịch vụ (giải trình tự Sanger, tổng hợp gen nhân tạo) do PHUSA Biochem cung cấp đã và đang được giới chuyên môn trong nước tin tưởng và sử dụng. Năm 2018, công ty cho ra mắt hai dòng máy PCR và điện di tích hợp, sản xuất theo công nghệ Việt. Tuy mới tung ra thị trường nhưng với chất lượng, giá thành phù hợp, sản phẩm được các nhà khoa học đánh giá cao và hiện được xuất khẩu sang thị trường Mexico.
Những thành tựu, hiệu ứng từ cuộc CMCN 4.0 giờ đây được các DN ngoại thành hào hứng đón nhận. Ông Phạm Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ), bộc bạch: “Làm sao để tiết giảm tối đa chi phí, cắt bớt các công đoạn dôi dư trong quá trình sản xuất là điều DN bắt buộc phải hướng đến. Và giải pháp tối ưu nhất là ứng dụng công nghệ 4.0. Trung Thạnh đã và đang áp dụng công nghệ này thông qua việc từng bước tự động hóa các khâu sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý sản xuất, nhân sự. Đặc biệt, công ty đang bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình “Cánh đồng công nghệ 4.0” được quản lý thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động và máy tính. Đây là hướng đi để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn” theo yêu cầu của đối tác”.
* Nền tảng xây dựng thành phố thông minh
Hầu hết các DN trên địa bàn thành phố đều xác định ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh là xu hướng tất yếu. Ông Ngô Quốc Nam, Giám đốc PHUSA Biochem, khẳng định: “Lĩnh vực công nghệ sinh học có nhiều tiềm năng ứng dụng để nâng tầm nông nghiệp ĐBSCL. Để mang công nghệ sinh học phát triển rộng khắp, chúng tôi nảy sinh ý tưởng thành lập chuỗi phòng thí nghiệm sinh học phân tử tại Việt Nam-PHUSA Biomart dự kiến đặt tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Các phòng thí nghiệm của PHUSA Biomart sẽ là nơi học sinh, sinh viên, giới nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng thực hành về sinh học phân tử để nhanh chóng tiếp cận với môi trường làm việc thực tế”.
Hoạt động nghiên cứu về sinh học phân tử tại PHUSA Biochem.
Về định hướng phát triển trong tương lai, chị Lâm Việt Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa, chia sẻ: “Tôi luôn suy nghĩ, luôn trăn trở về “giấc mơ rau” của mình. Hiện tại, rau của Minh Hòa có giá từ 45.000-70.000 đồng/kg, nên chỉ có những người thu nhập khá trở lên mới đủ khả năng sử dụng lâu dài. Mong muốn của tôi là hạ giá rau xuống bằng giá chợ, còn khoảng 30.000 đồng/kg trở lại thì mọi người dân sẽ dùng được rau sạch, an toàn, dinh dưỡng. Vì vậy, tôi tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ mới nhất, tối ưu nhất trong quá trình sản xuất của mình và mong muốn được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng tạo điều kiện để chị được liên kết với nông dân mở rộng mô hình sản xuất”.
Theo các chuyên gia, mặc dù không nằm trong nhóm các quốc gia phát triển, song Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ hội tụ những yếu tố để có thể đón nhận cuộc cách mạng lần này. Ông Trần Văn Tư, Chủ tịch Hội Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Cần Thơ, cho rằng, để thích ứng và vận dụng được thành tựu của cuộc CMCN 4.0, Cần Thơ phải chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “Con người phải đủ kiến thức, phải thông minh mới có được những ứng dụng thông minh, làm chủ được máy móc, thiết bị từ đó xây dựng nên thành phố thông minh” - ông Trần Văn Tư nhấn mạnh. Mặt khác, theo Tiến sĩ Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ, thành phố nên tăng cường hợp tác với các thành phố, tập đoàn mạnh về nguồn lực và công nghệ số để cùng xây dựng thành phố thông minh, khởi nghiệp sáng tạo từ nền tảng IoT, Big Data, các lĩnh vực công nghệ tích hợp, hiện đại hướng về CMCN 4.0.
***
Thành phố đã thể hiện quyết tâm, DN cũng sẵn sàng cho cuộc bứt phá từ nền tảng CMCN 4.0. Đó là những tín hiệu tốt, mở ra hướng đi mới cho sự tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững của nền kinh tế thành phố trong giai đoạn mới.
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)