Giáo viên toát mồ hôi với hàng loạt chỉ tiêu đầu năm

Thứ ba, 22 Tháng 10 2019 21:53 (GMT+7)
Năm học mới bắt đầu cũng là lúc các trường xây dựng kế hoạch năm học và mỗi giáo viên lại vào mùa đăng ký chỉ tiêu chất lượng bộ môn, chất lượng giáo dục.
Giáo viên toát mồ hôi với hàng loạt chỉ tiêu đầu năm - Ảnh 1.

Một giáo viên giúp học sinh viết nhãn vở. Ảnh: Nguyễn Thuận

Năm nay, chúng tôi đặt bút đăng ký chỉ tiêu chất lượng bộ môn với những con số cao ngất ngưởng theo hướng dẫn "ngầm" từ cấp trên. Từ chất lượng hai mặt đến chỉ tiêu lên lớp, tốt nghiệp, duy trì số lượng… tất cả đều tăng.

Đặc biệt, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng vọt lên ngót nghét gần 60% và cả thảy đều giật mình với con số không quá 2% cho học sinh yếu.

Mỗi lớp tầm 30 đến 35 học sinh, vị chi chỉ được khoảng… nửa học sinh yếu/ lớp. Vậy là tính toán chi ly, cộng trừ thêm bớt thế nào cũng "lòi" ra hơn 2% quy định nếu đăng ký 1 học sinh yếu/ lớp.  Vậy là bản kế hoạch cá nhân bị trả về, làm lại với lời dặn "theo sát chỉ tiêu của nhà trường".

Quả thật chúng tôi khó nghĩ vô cùng bởi không ai tường tận sức học của học sinh trên lớp bằng người thầy mỗi ngày đối diện với các em, nắm điểm mạnh - yếu, biết ai lười ai chăm. Tiếc rằng người thầy vẫn không chưa được trao quyền đánh giá chất lượng học sinh, quyền đăng ký chỉ tiêu bộ môn dựa trên chất lượng thực tế, quyền phản hồi và điều chỉnh năng lực học sinh.

Cả năm học giáo viên cứ mải miết "chạy đua"với kiến thức, đánh vật với các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ nhằm một mục tiêu duy nhất: đạt chỉ tiêu. Có những bài kiểm tra phải cho học sinh làm lại đôi ba lần, có những học sinh phải kiểm tra miệng năm bảy dạo mới lấy được điểm số trung bình để cập nhật và xếp loại.

Đó là chưa kể tình trạng cá biệt có một số giáo viên xuề xòa trong kiểm tra đánh giá học sinh. Cứ hễ thiếu điểm là thêm điểm, không có điểm thì "gieo sạ" và chỉ tiêu dù cao bao nhiêu, họ cũng chẳng ngại vì điểm số - "quyền sinh sát" vốn nằm trong lòng bàn tay. Phụ huynh ảo tưởng về sức học của con cái, học sinh lại chủ quan vì đinh ninh "không học cũng lên lớp". Thực tế tréo ngoe ấy vẫn âm thầm đục khoét bao giá trị nền tảng. Đáng sợ thay!

Bệnh thành tích như cơn sóng ngầm vẫn âm ỉ chảy trong môi trường giáo dục làm bao người trăn trở, búc xúc. Tôi vẫn còn nhớ như in khoảng thời gian gần mười ba năm trước, chất lượng bộ môn phải đăng ký dừng ở ngưỡng 85% học sinh trên trung bình. 15% chỉ tiêu còn lại dành cho học sinh yếu kém cần phụ đạo bồi dưỡng thêm. Hồi ấy, chúng tôi dạy dỗ và đánh giá học sinh trong tâm lý nhẹ nhàng và cực kỳ "dễ thở". Vậy mà chỉ tiêu "leo thang" qua mỗi năm, giờ thì dừng ở mức sát đỉnh: 98% trên trung bình và không quá 2% yếu kém.

Lâu nay, nhiều người đã ví von chỉ tiêu chẳng khác gì một chiếc "vòng kim cô" siết chặt giáo viên và học sinh vào thành tích. Điều này là hệ quả tất yếu của vòng xoay thành tích. Giáo viên không đạt chỉ tiêu chịu trách nhiệm trước nhà trường. Nhà trường không đạt chỉ tiêu phải giải trình trước chính quyền địa phương, phòng giáo dục. Và đến phiên phòng, sở giáo dục lại tiếp tục bị các cấp chất vấn khi chỉ tiêu thấp so với đơn vị khác… Trong cái vòng tròn "sính thành tích" ấy, giáo viên và học sinh là đối tượng chính "chịu trận" nhiều nhất!

Áp lực chỉ tiêu đang khiến người thầy quay cuồng với vô vàn giải pháp từ trong sáng đến "âm u" nhằm đạt chất lượng cấp trên đề ra. Áp lực chỉ tiêu cũng đang khiến bọn trẻ bị thúc ép phải học, học và học. Chính nó đã và đang cướp đi tuổi thơ của không ít các con trẻ. Những chiếc cặp nặng đến oằn vai, mấy lớp học thêm đông nghịt sau giờ chính khóa, vô số khuôn mặt uể oải bên trang vở…

Đến bao giờ người thầy và học sinh của mình được "cởi trói" khỏi áp lực chỉ tiêu? Câu hỏi ấy giờ vẫn đang để ngỏ…

Thùy Trang (nld.com.vn)
T/h: M.Phúc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục