Cắt tỉa cây tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP. Mỹ Tho.
NỖI LO MÙA MƯA BÃO
Có lẽ hình ảnh về những hàng phượng vĩ rực rỡ, những hàng me tây sum suê lá cành… đã trở thành những kỷ niệm thân thương trong cuộc đời của mỗi học sinh. Thế nhưng giờ đây cũng chính những hàng cây rợp bóng mát ấy lại chính là nỗi lo sợ của nhiều giáo viên và học sinh trong mỗi mùa mưa bão.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có Công văn đề nghị các Sở GD-ĐT trên cả nước chỉ đạo ngay các nhà trường khẩn trương liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn; các nội dung chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về vấn đề bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.
Mới đây, vụ bật gốc cây phượng xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP. Hồ Chí Minh làm 17 em học sinh bị thương, 1 em tử vong, đã khiến nhiều người bày tỏ sự quan ngại về độ an toàn của cây xanh trong các trường học.
Đội phó Đội Công viên cây xanh thuộc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho Đặng Văn Bông, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cây xanh phân tích: Ở những trường học hiện nay chủ yếu trồng các cây phượng, me tây, lim… Mỗi loại cây này có những đặc tính khác nhau, tuy nhiên chúng có điểm chung là cần không gian sinh trưởng rộng.
Ở các trường thuộc vùng nông thôn, các loại cây này phát triển rất tốt và có tuổi thọ lâu hơn so với việc đem trồng ở các trường thuộc vùng đô thị, bởi ít bị tác động nhiều bởi các yếu tố như bê tông, đường nước, dây điện… Ở các trường thuộc đô thị, các loại cây này có không gian sinh trưởng hẹp, đa phần thuộc loại rễ bàn, rễ chùm nên không đâm sâu xuống đất được, nếu gặp yếu tố ngoại cảnh (mưa bão, giông, lốc, mưa lớn, gió mạnh…), rất có thể sẽ bị gãy đổ. Đặc biệt, với những cây già cỗi, qua một vài trận mưa, tán cây sẽ dễ ngấm nước, tạo sức nặng, khiến cây khó trụ được, dễ bị trốc gốc.
Chị N.H.N. có con học ở một trường tiểu học trên địa bàn TP. Mỹ Tho hết sức quan ngại, chia sẻ: Sự việc xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua là một hồi chuông cảnh báo về mức độ an toàn của cây xanh trong trường học…
Có thể nói, mặc dù cây xanh được xem là yếu tố không thể thiếu trong việc che bóng mát, tạo mỹ quan trường học; tuy nhiên, đây cũng được xem là nỗi lo lớn về mức độ an toàn trong môi trường học đường, bởi những yếu tố về ngoại cảnh như tác động của thời tiết xảy ra khá bất thường thì khó có thể lường trước được, nếu các trường học chủ quan, lơ là. Việc tính toán phương án trong cách bố trí cây xanh trong sân trường như thế nào là hợp lý, an toàn được xem là vấn đề bức bách mà các trường học cần phải tính toán và có giải pháp ngay, không thể chần chờ.
ĐỂ CÂY XANH THẬT SỰ AN TOÀN
Việc cây xanh gãy đổ ở TP. Hồ Chí Minh vừa qua được xem là hồi chuông báo động về tình trạng an toàn cây xanh tại các trường học trên địa bàn cả nước. Tại Tiền Giang, thời gian qua, công tác này đã được lãnh đạo ngành GD-ĐT thường xuyên nhắc nhở và kiểm tra trong mỗi năm học.
Thầy Phan Ngọc Khải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Lê Văn Nghề, TP. Mỹ Tho cho biết, trường có khoảng 20 cây che bóng mát (điệp bông vàng, cây dầu…), trồng trên 20 năm. Trong mỗi năm học, nhà trường trích một phần kinh phí để thuê mướn nhân công tỉa cành, loại bỏ các nhánh sâu bệnh vào 2 đợt vào đầu năm học và đầu mỗi mùa mưa bão.
Trường Tiểu học Nguyễn Huệ, TP. Mỹ Tho cũng vừa thực hiện tỉa cành, cắt nhánh khoảng 30 cây xanh trong khuôn viên sân trường. Nhà trường thường xuyên phối hợp với Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho trong việc tư vấn, chăm sóc cây xanh cho trường. Khi phát hiện cây nào có yếu tố sâu bệnh hoặc già yếu, nhà trường sẽ phối hợp để xử lý nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Mỹ Tho Lê Minh Sáng cho biết, các cây trồng trong sân trường hiện nay cần có đường kính ở gốc từ 1,5 m trở lên để tạo không gian sinh trưởng tốt cho cây. Các đơn vị trường học cần hạn chế trồng các loại cây thuộc họ rễ chùm, rễ bàn, hạn chế trồng các loại cây ăn trái trong khuôn viên trường học. Khi đánh giá yếu tố sâu bệnh trên cây xanh, cần phải nhìn nhận, đánh giá toàn diện ở 3 yếu tố: Lá, thân và rễ. Ví dụ như, khi phát hiện 1 hoặc 2 nhánh bị khô héo hay vàng lá thì cần phải biết đây là yếu tố bất thường xảy ra trên cây, cần xem lại vấn đề thổ nhưỡng hoặc cây có bị sâu bệnh không.
Việc chăm sóc cây là việc làm cần thiết đối với các trường học. Đặc biệt là vào mùa mưa bão, các trường cần thường xuyên theo dõi tình trạng cây xanh, cắt tỉa, tạo tán cho cây, hạ thấp cây, hạn chế việc cắt rễ, bê tông hóa xung quanh cây… Đơn vị chúng tôi vừa có văn bản gửi ngành Giáo dục TP. Mỹ Tho, yêu cầu các trường thống kê, đánh giá tình trạng cây xanh ở trường mình, để chúng tôi kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sâu bệnh, cũng như cắt tỉa cành, tạo tán trên cây…”.
ĐỖ PHI - (baoapbac.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)