Cây xanh toả bóng mát trong khuôn viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: THÙY LINH)
Chặt hạ hàng loạt
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân, những ngày qua nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã cho đốn hạ, chặt các cây xanh, trong đó có hàng loạt cây phượng, cây bàng, có cả những cây còn tươi tốt chỉ vài năm tuổi.
Cây bị cưa cắt tại một trường học ở Đồng Tháp. (Ảnh: HỮU NGHĨA).
Nhiều phụ huynh, học sinh ở Đồng Tháp bức xúc cho rằng việc nhà trường cắt ngọn cây xanh, thậm chí đốn hạ cây xanh trong sân trường là hành động vội vã, thiếu quy chuẩn.
Trả lời phóng viên Báo Nhân Dân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Minh Tâm khẳng định, Sở không hề chỉ đạo các trường đốn ngã hàng loạt cây xanh.
Trước đó, tại cuộc họp báo về sự cố đổ cây phượng làm một học sinh thiệt mạng ở Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết vào đầu năm học, sở đã có văn bản chỉ đạo bảo đảm an toàn trong trường học. Trước mùa mưa bão Sở cũng có văn bản lưu ý đối với các trường.
Cây xanh tại trường học ở Đồng Tháp chưa được xử lý đúng cách. (Ảnh: HỮU NGHĨA).
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, cây phượng bị đổ sáng 26-5 được trồng vào năm 1996. Hằng năm, nhà trường vẫn nhờ công ty công viên cây xanh mé nhánh chăm sóc cây vào dịp hè. Sau khi xảy ra vụ việc Công ty công viên cây xanh đề xuất đốn bỏ nốt một cây phượng còn lại trong trường để bảo đảm an toàn và nhà trường đã đồng ý.
Ngay sau đó, tại một số địa phương, nhiều nhà trường cũng vội vã tiến hành chặt bỏ cây xanh trong sân trường với lý do để bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão sắp đến.
Tại Nghệ An, hai cây xà cừ có tuổi đời hàng chục năm trong sân Trường THPT Nghi Lộc 2, huyện Nghi Lộc, Nghệ An vừa bị chặt bỏ trơ trụi cành lá khiến học sinh, giáo viên tiếc nuối, xót xa.
Cần hướng dẫn đồng bộ
Đến thời điểm này, nhiều Sở GD-ĐT các địa phương đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát tình trạng cây xanh trong khuôn viên. Sở GD-ĐT Nghệ An định hướng các nhà trường chủ động liên hệ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để rà soát toàn bộ cây xanh trong khuôn viên trường; Xử lý ngay những cây bị nghiêng, có hiện tượng mối mọt. Sở lưu ý các trường phải cân nhắc trước khi chặt cây, không chặt cây một cách đồng loạt, máy móc làm ảnh hưởng đến không gian xanh, môi trường thân thiện của các nhà trường.
Sở GD-ĐT Đồng Tháp cũng có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường lưu ý kiểm tra lại các cây xanh trong trường, xem cây nào còn tốt, bảo đảm an toàn thì giữ nguyên, còn chưa bảo đảm, chưa an toàn thì cắt tỉa bớt, đồng thời gia cố để tránh cây bị ngã đổ; đồng thời, kiểm tra thường xuyên xem cây có mục, hư hỏng không để có giải pháp tối ưu đề phòng tình trạng cây ngã đổ, bảo an đảm toàn cho học sinh.
Tại Hà Nội, theo chỉ đạo của thành phố, Công ty công viên cây xanh Hà Nội và các quận, huyện tiến hành rà soát, cắt tỉa lại tất cả các cây xanh ở các trường học trên địa bàn, không để gây nguy hiểm cho học sinh.
Sau hành động chặt cây vội vã của một số nhà trường vấp phải sự không đồng tình của học sinh, phụ huynh, một số nhà quản lý trường học vẫn đang trăn trở, làm thế nào để duy trì khuôn viên xanh mát, lại vừa bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến.
Mối lo này lại tiếp tục dâng cao khi mới đây nhất, chiều 4-6, lại một cây phượng 20 năm tuổi tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị đổ khiến ba nữ sinh bị thương nhẹ.
Nhiều người băn khoăn về việc làm sao đánh giá được hiện trạng của cây, làm sao biết cây nào đã mục ruỗng, cây nào cần cắt tỉa cảnh, cây nào không an toàn.
Chưa kể, theo quy định hiện hành, nhiều cây xanh được trồng trong khuôn viên các trường học thuộc hạng mục “Cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị”, thậm chí có “cây xanh thuộc danh mục bảo tồn”. Đối với những loại cây này thì việc chặt hạ, di chuyển cần phải có giấy phép và hồ sơ của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, ở nhiều trường, cây xanh do nhà trường tự trồng, tự quản lý, vì vậy việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn để rà soát là không đơn giản.
Tại Hà Nội, một số trường như Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Phan Đình Phùng, Trường THPT Việt Đức… có rất nhiều cây lâu năm, cây cổ thụ. Trường THPT Phan Đình Phùng hiện có hơn 50 cây xanh cho bóng mát với nhiều chủng loại, trong đó 15 cây xà cừ cổ thụ được xếp loại cây được bảo tồn, và có có cả cây phượng.
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) tập thể dục dưới bóng mát của những cây xanh hàng chục năm tuổi. (Ảnh: Trường THPT Phan Đình Phùng).
Kinh nghiệm bảo đảm sự an toàn dưới bóng mát của cây trong nhiều năm qua được Ban Giám hiệu nhà trường cho biết là phải thường xuyên kiểm tra định kỳ, chăm sóc và cắt tỉa khoa học theo đặc tính của từng loại cây. Như vậy, không chỉ trong mùa mưa bão, hay khi có sự cố xảy ra, mà để an toàn thì cần phải thường xuyên quan tâm sát sao đến sự phát triển của cây xanh.
Trong sân Trường tiểu học Đa Phúc (Hải Phòng). (Ảnh: THU TRÀ).
Cô Ngô Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đa Phúc (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) chia sẻ, tại các trường mới xây thì cây xanh được quy hoạch, còn các trường lâu năm như trường cô đang quản lý thì cây xanh do trường tự trồng, tự quản lý sao cho phù hợp với khuôn viên nhà trường, tạo được bóng mát và tính thẩm mỹ. Cô Ngô Thị Huyền cho biết, thông thường nhà trường vẫn thường xuyên cho kiểm tra, chặt bớt cành, chặt một số cây có dấu hiệu không an toàn. Hiện tại trường chưa phối hợp với đơn vị nào để quản lý.
Tuy nhiên sau sự cố vừa rồi, vị Hiệu trưởng này cho biết đang liên hệ với công ty cây xanh để phối hợp kiểm tra rà soát toàn bộ hệ thống cây trong trường, lập biên bản và xây dựng kế hoạch xử lý theo lộ trình để bảo đảm an toàn cho học sinh mà vẫn có bóng mát và tính thẩm mỹ trong trường học.
HỮU NGHĨA - LÊ HÀ - THU TRÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)