Chúng ta đã thực sự lắng nghe nhau!?

Chủ nhật, 16 Tháng 8 2020 16:08 (GMT+7)
Nhiều giá trị được tạo nên nếu chúng ta chịu lắng nghe nhau. Nhưng đôi khi, chúng ta đã thờ ơ trước những câu chuyện, những lời thỉnh cầu và đánh mất cơ hội để hiểu và yêu thương

Đã bao giờ bạn nghe con mình nói ra câu "Ba mẹ chẳng bao giờ lắng nghe con hết!"? Với công việc của một giảng viên tâm lý học, tôi thường nghe câu này từ các bạn trẻ - các em từ thiếu nhi, thiếu niên, cho đến thanh niên, mỗi khi họ có xung đột tâm lý. Còn các bậc cha mẹ thì hay than phiền "Nó có thèm nói gì đâu mà nghe! Chỉ có giỏi cãi lời cha mẹ"...
 
Ba mẹ có chịu nghe con đâu!?
 
Trong bàn ăn, đứa nhỏ nói: "Mẹ ơi, lớp con đứa nào cũng có xe đạp điện". Người mẹ: "Cái gì, thiệt không vậy. Con đừng xạo nha, làm gì có chuyện học sinh lớp 8 mà cả lớp đều có xe đạp điện". Quay sang chồng, mẹ của đứa nhỏ tìm đồng minh: "Anh thấy đúng không anh?". Người bố : "Ừ, mẹ đúng đó. Bố thấy con còn nhỏ không nên tập tính nói xạo vậy nữa nha".
 
Đứa nhỏ lặng lẽ ăn cơm. Không trả lời tiếng nào trước những câu hỏi "rất quan tâm" của bố mẹ sau đó: "Nay đi học vui không con?", "Nay toán được mấy điểm con?...
 
Chúng ta đã thực sự lắng nghe nhau!? - Ảnh 1.
Trẻ sẽ tự tin, hạnh phúc hơn nếu cha mẹ thực sự lắng nghe và hiểu được những mong muốn của chúng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Giá như ba mẹ khoan vội kết tội con "nói xạo" mà dành chút lắng nghe và phân tích: "Mẹ ơi, lớp con đứa nào cũng có xe đạp điện". Nghe để biết: À vậy là lớp con bạn nào cũng có xe đạp điện (còn đúng hay không thì chưa biết). Nghe để hiểu: Thế là con cũng muốn có một cái xe đạp điện, phải không? Nghe để chia sẻ: Con cũng có thể có một cái xe đạp điện vào sinh nhật (nào đó); vào lúc con đạt kết quả (gì đó); khi con và cả nhà để dành đủ số tiền là (bao nhiêu đó)...
 
Nhưng không, phụ huynh đã đánh mất cơ hội được tiếp tục câu chuyện với cậu con trai bằng việc "dán nhãn" con. Chỉ cần "lắng" một chút, ta sẽ có cơ hội hiểu con hơn, tạo dựng một bầu không khí gia đình vui tươi hơn.
 
Không chỉ dừng lại ở việc muốn có một chiếc xe, đã từng có những tâm sự rất đau lòng của các con với chuyên gia tâm lý. Một học sinh nam lớp 11 ở Vĩnh Long đã nhắn tin: "Cô có thể nói chuyện với con một chút được không? Con kể cho cô nghe câu chuyện này, kể xong con sẽ ngủ một giấc thật dài, sẽ không bao giờ thức dậy nữa đâu. Khi khai là con đồng tính, ba mẹ con nhất định không tin, không chịu nghe con nói. Họ nói con bị khùng, không lo học hành, chỉ nghĩ chuyện bậy bạ...".
 
Giá trị của lắng nghe
Hãy tra từ điển, để hiểu rõ từ "lắng". Từ này được Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên) định nghĩa: 1. Để cho cặn, bã... chìm xuống đáy; 2. Chuyển từ trạng thái, tình hình sôi nổi sang trạng thái tĩnh.
 
Như vậy "nghe" thì dễ, là cơ chế tự động của giác quan. Chúng ta sẽ nghe được khi có một thứ gì đó tác động vào cơ quan thính giác trong ngưỡng cảm giác của mình. Vì thế mà có những khi, có những thứ chúng ta không muốn nghe chút nào mà nó vẫn lọt vào lỗ tai mình, như là tiếng hàng xóm hát karaoke, tiếng đồng nghiệp nói xấu sếp, tiếng người ta chửi thề ở ngã tư...
 
Nhưng "lắng nghe" thì khác. Một chai nước có cặn mà muốn uống được thì phải "lắng", là phải để nó yên một chỗ, không lắc không khuấy và chờ. Phải có thời gian, có quá trình, chớ không thể liền - ngay được, không thể nóng vội. Lắng nghe là kỹ năng lĩnh hội thông tin một cách hiệu quả nhất trong giao tiếp xã hội. Lắng nghe mang tính chủ động hơn nghe.
 
Giao tiếp là quá trình truyền thông. Vậy nói là cung cấp thông tin, lắng nghe là thu nhận thông tin. Nên ông bà mình đã dạy "Biết thì thưa thì thốt, không biết thì dựa cột mà nghe". Chịu lắng nghe sẽ cho chúng ta có thêm kiến thức từ người khác và như vậy, nó cũng cho người khác thấy ta là một người cầu thị, chịu khó tiếp thu và học hỏi. Trong giao tiếp, tâm lý chung của nhiều người là thích nói. Và vì vậy, họ rất cần một ai đó chịu nghe. Vậy không có gì vui sướng hơn khi mình đang cần mà có một ai đó chịu lắng nghe mình. Khi chịu nghe, ta còn hiểu đúng đối tượng đang cần gì, muốn gì, thích gì, từ đó ta có cơ hội làm cho họ được hài lòng, thỏa mãn.
 
Không thể có chuyện "ông nói gà bà nói vịt" nếu bên này chịu lắng nghe bên kia thì sẽ không có đấu võ mồm, không có thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau. Có những người thề không đội trời chung, từ mặt nhau, chấm dứt mối quan hệ chỉ vì những hiểu lầm không đáng có này.
 
Và cuối cùng, từ những điều trên, lắng nghe tốt giúp chúng ta thành công trong gia đình, trong công việc, trong cuộc sống. Khi mà mọi mối quan hệ được cải thiện, cuộc sống của chúng ta trở nên hạnh phúc hơn. 
 
Cảm xúc tích cực
 
Khảo sát từ những học viên học lớp Kỹ năng giao tiếp tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM với câu hỏi "Bạn cảm thấy như thế nào khi có một ai đó thực sự lắng nghe bạn?", 100% câu trả lời luôn là những cụm từ mô tả những cảm xúc vô cùng tích cực: thích, khoái, sướng, vui, hạnh phúc, được thỏa mãn, được chia sẻ, được tôn trọng, được yêu thương...
 
TS LÊ THỊ LINH TRANG - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục