Học sinh cần tỉnh táo khi nghe tư vấn tuyển sinh tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp. Ảnh: MỸ HÀ
Đủ “chiêu” lôi kéo người học
Nhìn nhận thực tế, cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) nào cũng cần có tiền để duy trì và để trả lương cho cán bộ, giảng viên. Tự chủ tài chính cũng khiến các trường không thể không tính đến nguồn thu, do đó chỉ tiêu tuyển sinh là yếu tố có ý nghĩa sống còn, bởi nguồn thu lớn nhất với các đơn vị này vẫn nằm ở học phí. Thế nên việc đẩy mạnh các biện pháp “cạnh tranh” nhằm thu hút thí sinh là điều dễ hiểu đối với các trường, nhất là khối công lập tự chủ tài chính hay tư thục. Đang là thời điểm “nhạy cảm” khi các thí sinh bắt đầu điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, do dịch Covid-19, việc điều chỉnh này được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến trong thời gian bảy ngày (từ ngày 19 đến 25-9). Nắm bắt được thời cơ này, các trường đua nhau tiếp thị, truyền thông trên các nền tảng, với nhiều nội dung hấp dẫn. Bản chất việc tư vấn tuyển sinh của các trường là một hình thức bán hàng. Một số trường đưa ra “biện pháp” dội “bom thư” thông báo trúng tuyển cũng là chiêu để thu hút thí sinh. Thậm chí, một số trường lập fanpage trên mạng xã hội dưới hình thức tư vấn tuyển sinh, nhưng đều mang bóng dáng, hơi hướng “nói xấu” trường khác, cạnh tranh nhau. Một số trường có thể rơi vào tình trạng “tê liệt” ở thời điểm nhất định, như sự việc mới đây nhất, Trường cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh bị đánh sập website mà nguyên nhân có thể là bởi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của cơ sở giáo dục khác.
Hay mới đây, Công an TP Đà Nẵng thông báo kết quả xử lý cán bộ tuyển sinh của Trường đại học Duy Tân (đã có hành vi gửi nhiều thư nặc danh bôi xấu, vu khống một số trường đại học khác) và đề nghị trường này nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan.
Nhiều hiệu trưởng và chuyên gia giáo dục nhìn nhận, những hành vi đó là một cuộc cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Các trường đại học, cao đẳng thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh nhưng không vì thế mà làm ảnh hưởng tới quyền lợi của thí sinh và các trường khác. PGS,TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng, thực trạng “ném đá giấu tay” hiện nay giữa một số trường là có thật. Theo PGS Dũng, câu chuyện “bom thư” giấy báo trúng tuyển nguy hiểm ở chỗ, có trường thiếu thí sinh đã thông đồng với các trường phổ thông để lấy dữ liệu, từ đó nắm được thông tin thí sinh để gửi giấy báo trúng tuyển. “Dữ liệu đó nhiều trường xin tôi nhưng tôi không cho, đó là đời tư bí mật, thông tin cá nhân. Tôi còn nghi ngờ dữ liệu bị “tuồn” ra ngoài có thể từ cơ quan quản lý, bởi chỉ quanh một tỉnh, có bao nhiêu thí sinh đăng ký vào những trường nào là bị lộ hết. Quy chế tuyển sinh không cho phép công khai dữ liệu”, PGS Dũng nói và cho biết thêm, hiện nay dù dữ liệu khó tới đâu nhưng một số trường vẫn có thể “mua” được.
Bên cạnh đó, nhiều trường đưa ra hình thức “dụ” thí sinh bằng việc cấp học bổng hoặc mức học phí thấp cho thí sinh nếu vào trường học. Nhưng khi vào học thì tiền học phí tăng vùn vụt hoặc xé nhỏ học phí thành các kỳ đóng. Những hình thức trên, theo Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh PGS,TS Huỳnh Văn Sơn nhìn nhận, đó không phải là tư vấn hướng nghiệp, chọn trường hay tuyển sinh mà đó là bán hàng bằng nhiều chiêu thức. “Sự cam kết trong tư vấn không thể diễn ra giản đơn như vậy, mà phải là tư vấn bằng trái tim, lý trí có cơ sở. Hơn thế nữa, kể cả việc khai thác khách hàng cũng cần cam kết có đạo đức chứ không thể để thí sinh rơi vào mê hồn trận thông tin... Đây là vấn đề trách nhiệm mà các nhà quản lý của mỗi cơ sở phải làm hết trách nhiệm của mình để tuyển sinh, để có sinh viên, tất nhiên phải bằng cách minh bạch và có đạo đức. Sứ mạng và triết lý giáo dục của mỗi trường đều có và cần được thực thi nghiêm túc, khoa học”, PGS,TS Huỳnh Văn Sơn thẳng thắn.
“Loạn” do đâu?
Tại khoản 2, Điều 34, Luật GDĐH sửa đổi năm 2018 quy định, các trường đại học có quyền tự chủ trong phương thức tuyển sinh gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển; cơ sở GDĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Theo TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, một số hình thức tư vấn tuyển sinh như đã nêu ở trên rõ ràng là không lành mạnh, trong đó có nguyên nhân từ chính khâu quản lý nhà nước. TS Khuyến phân tích, nguyên nhân cơ bản liên quan tới Luật GDĐH, trong quy định tuyển sinh cho phép các trường lựa chọn phương thức tuyển sinh, xét kết quả tốt nghiệp từ kỳ thi THPT, xét học bạ. Trong điều kiện hiện nay, TS Khuyến không tán thành tuyển sinh qua hình thức xét học bạ, bởi giáo dục Việt Nam vẫn còn nặng về bệnh thành tích, sẽ tìm mọi cách để làm đẹp học bạ. Những năm trước, chỉ một vài trường “yếu” xét tới học bạ, nhưng hiện nay các trường đua nhau làm. “Nếu chỉ dựa trên kết quả học bạ thì đâu cần thi THPT, trong khi kết quả tốt nghiệp THPT hiện rất cao, không có tính chất sàng lọc; các trường đại học biết được kết quả cao như vậy và điểm xét từ học bạ do các trường tự quyết định, do đó các trường cứ đánh giấy gọi học”, TS Khuyến nói thêm, cách đây vài năm giải pháp lọc ảo được thực hiện, nhưng hiện nay đã bị hạn chế.
Liên quan câu chuyện này, Phó Vụ trưởng GDĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Như Nghệ cho biết, đây là hành vi không đúng, các trường phải tôn trọng sự thật. “Tôi được biết ngay trong bản thân các trường cũng đã phải nhờ đến công an để xem một số nguồn “ném đá giấu tay” đó ở đâu, còn Bộ đã có quy chế về tự chủ đại học, tự chủ nhưng phải có điều kiện, không phải thích làm gì thì làm. Việc này Bộ không nhất thiết can thiệp, mà các trường sẽ đề nghị công an vào cuộc điều tra”, ông Nghệ thông tin.
NHƯ QUỲNH - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)