Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, ngày 6-11.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) hỏi về khoản tiền khái toán 462 tỷ đồng Bộ GD-ĐT tham mưu cho Chính phủ, trong thực tế đã đầu tư chi trả bao nhiêu tiền từ ngân sách quốc gia vay từ World Bank để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, biên soạn một cuốn sách giáo khoa, tài liệu và tổ chức tập huấn.
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ phê duyệt dự án đổi mới chương trình sách giáo khoa tổng thể là 80 triệu USD, trong đó 77 triệu vay ODA còn 3 triệu USD đối ứng. Trong cấu phần dành cho biên soạn một bộ sách giáo khoa như thiết kế ban đầu, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là không sử dụng khoản tiền này nữa. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lại 16,5 triệu USD xây dựng bộ sách giáo khoa và để trong tài khoản của World Bank. “Bộ GD-ĐT chưa sử dụng số tiền này”, Bộ trưởng khẳng định.
Về số tiền còn lại xây dựng chương trình, Bộ đã triển khai xây dựng chương trình và các hoạt động phát triển chương trình tổng thể và môn học. Cho đến tháng 12 năm nay chi được 12 triệu USD, như vậy cũng hơn 200 tỷ đồng. Còn lại chúng tôi rà soát tất cả những chi phí không thiết thực, không hiệu quả liên quan đến tập huấn, tăng cường, đặc biệt đợt dịch Covid-19 vừa qua, đã trả lại tổng số tiền là 29,7 triệu USD. Như vậy, số tiền tiết kiệm sẽ trả lại, chỉ chi vào những khoản thực thi.
Về sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết, tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội là xã hội hóa sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT tăng cường kiểm soát chất lượng sách giáo khoa. Do vậy, tiết kiệm tiền chi ngân sách cho biên soạn giáo khoa, trừ trường hợp không có bộ sách nào, không có cuốn sách nào được các nhà xuất bản trình thì lúc ấy Bộ sẽ phải làm theo đúng Nghị quyết 122 của kỳ họp thứ 9 Quốc hội vừa rồi.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về giải pháp giảm tải người dạy, giáo viên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng câu hỏi của đại biểu phản ánh nguyện vọng của hàng triệu giáo viên và cho biết ông rất quan tâm, ý thức vấn đề này.
“Chúng tôi rất quan tâm đến giảm tải cho đội ngũ giáo viên bằng những quy định và những chỉ đạo rất thiết thực. Trước hết, giảm số hồ sơ, sổ sách rút xuống chỉ còn những sổ sách rất thiết thực”, Bộ trưởng cho biết.
Thứ hai, là đổi mới phương thức thi giáo viên chủ nhiệm giỏi theo hướng thiết thực và đơn giản hơn.
Thứ ba, Bộ GD-ĐT đã rà soát lại chương trình hiện hành. Năm ngoái, đã giảm khoảng 3 đến 4 tuần và năm nay đã giảm tiếp Học kỳ 1.
“Chương trình hiện hành được tinh giản theo hướng gọn nhẹ hơn và tiếp theo quan trọng là tăng cường hướng dẫn áp dụng công nghệ thông tin trong hồ sơ sổ sách và trong xây dựng các bài giảng điện tử và tập huấn trực tuyến để giảm thời gian cho các cô, các thầy. Tới đây chúng tôi đang triển khai nghiên cứu để rà soát, tính toán định mức lao động của giáo viên cho phù hợp", Bộ trưởng nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục về quy định khối lượng kiến thức văn hóa trong giáo dục phổ thông, được quy định trong Luật Giáo dục nghề nghiệp và đã có hiệu lực 5 năm. Bà nhắc lại kỳ họp thứ 9 đã chất vấn về vấn đề này và Bộ trưởng hứa ban hành thông tư hướng dẫn để kịp thực hiện trong năm học mới, song nay vẫn chưa có tín hiệu gì.
“Lý do là gì và bao giờ Bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình”, nữ đại biểu chất vấn.
Việc quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và giảng dạy khối lượng kiến thức này trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực thi hành 5 năm và đại biểu nhắc lại tại Kỳ họp trước đã chất vấn đề này và được Bộ trưởng hứa là tháng 9-2020 sẽ ban hành để kịp đưa vào thực hiện trong năm học 2020- 2021 nhưng đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu gì.
“Lý do gì mà thông tư này chưa được ban hành và bao giờ Bộ trưởng sẽ thực hiện lời hứa của mình?” – nữ đại biểu chất vấn.
Trong vòng ba phút, Bộ trưởng GD-ĐT đã giải trình, cho biết, khối lượng văn hóa được dạy trong các trường phổ thông, các trường bổ túc văn hóa, dạy trong trường nghề là một vấn đề cũng hết sức phức tạp. Do vậy, Bộ cũng đã chỉ đạo các ban soạn thảo để tính toán như thế nào là phù hợp và trong quá trình chuẩn bị Thông tư thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB-XH) chỉ đạo các trường nghề vẫn chương trình theo quy định. Luật Giáo dục năm 2019, có quy định: "Các trường nghề được dạy khối lượng văn hóa do Bộ GD-ĐT quy định".
"Chúng tôi đã lấy ý kiến và trực tiếp làm việc với Bộ LĐTB-XH để thảo luận vấn đề này, đến nay là xong thông tư, xong phần dự thảo và cố gắng đến cuối năm nay có thể ban hành. Do còn nhiều nội dung đối chiếu giữa các chương trình với nhau, tránh tình trạng thiếu mạch lạc, chồng chéo giữa trường phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm dạy nghề", Bộ trưởng GD-ĐT cho biết.
“Về công văn, trong quá trình chưa ban hành được thông tư mới, thì Bộ GD-ĐT đã có công văn trả lời Bộ LĐTB-XH, trước mắt đồng ý với đề nghị của Bộ LĐTB-XH là các trường nghề vẫn tiếp tục dạy đến khi có văn bản mới. Như vậy, hiện nay Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH đã phối hợp để sớm ban hành thông tư, sao cho thông tư ra đời phải khả thi và thực tế”, Bộ trưởng GD-ĐT nói.
LÊ HÀ - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)