Lo hiệu trưởng lạm quyền?

Thứ bảy, 16 Tháng 1 2021 16:14 (GMT+7)
Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) thành trường công lập đầu tiên tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế
UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế giai đoạn 2020-2023 cho Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa).
 
Chủ động tuyển dụng
 
Theo quyết định này, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú được chủ động quyết định các biện pháp để tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động chuyên môn theo quy định pháp luật.
 
Hiệu trưởng được tổ chức các hoạt động liên doanh, liên kết và hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và các hợp đồng kinh tế khác phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.
 
Trường THPT Phan Huy Chú được chủ động quyết định việc vay, huy động, góp vốn; liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân bằng các hình thức xã hội hóa khác nhau để mở rộng cơ sở vật chất… đáp ứng nhu cầu xã hội. Hiệu trưởng được quyền quyết định kế hoạch biên chế và có trách nhiệm báo cáo kế hoạch biên chế để Sở GD-ĐT tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát; quyết định kế hoạch sử dụng lao động hợp đồng làm việc tại đơn vị; được quyền tiếp nhận viên chức thuộc các đơn vị do TP quản lý có chức danh nghề nghiệp tương đương giáo viên THPT hạng II trở xuống.
Lo hiệu trưởng lạm quyền? - Ảnh 1.
Hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm trao thưởng cho các học sinh Trường THPT Phan Huy Chú
 
Hiệu trưởng cũng quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức đối với những người được tuyển dụng lần đầu; ra quyết định điều động, biệt phái luân chuyển, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với lao động hợp đồng và viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của trường từ chức danh nghề nghiệp tương đương giáo viên THPT hạng II trở xuống. Về việc nâng lương, hiệu trưởng quyết định nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, nâng bậc lương trước thời hạn, phụ cấp thâm niên nhà giáo, kéo dài thời gian nâng lương đối với viên chức và người lao động hợp đồng của đơn vị…
 
Ông Hà Xuân Nhâm cho rằng việc hiệu trưởng tuyển giáo viên bừa bãi không khác gì “tự giết mình” bởi chất lượng đầu vào giáo viên yếu kém thì kéo theo chất lượng giáo dục chung toàn trường. Khi chất lượng giáo dục đi xuống, phụ huynh không cho con em vào học thì hiệu trưởng là người “chết” đầu tiên.
 
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, cho hay với việc được tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế, trường có thể được thành lập thêm các tổ, ban, phòng, bộ phận. Theo quy định chung đối với các trường công lập bình thường, mỗi trường chỉ có 5 tổ chuyên môn và một tổ hành chính nhưng nhà trường có thể có nhiều hơn 6 tổ đó, tùy theo kế hoạch giáo dục. Về biên chế, trường có quyền và chủ động ký hợp đồng tuyển dụng nếu thấy cần thiết. Trước đây, một số vị trí việc làm không có trong danh mục nên không được tuyển dụng như giám thị nhưng giờ trường hoàn toàn có thể có thêm vị trí việc làm này.
 
Kiến nghị mở rộng
 
Việc hiệu trưởng được giao quyền quyết định nhiều vấn đề đã dẫn đến lo ngại khi có nhiều quyền có thể dẫn đến lạm quyền, lộng quyền đối với giáo viên.
 
Chia sẻ trước lo lắng này, TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng nguy cơ lạm quyền luôn có ở khắp nơi. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh nguy cơ này sẽ bị triệt tiêu nếu tự chủ đi liền với dân chủ, với cơ chế công khai minh bạch.
 
"Được tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế là một cơ chế rất tốt. Nhiều hiệu trưởng hiện nay Sở GD-ĐT bảo gì nghe nấy, không chủ động nhưng khi được tự chủ họ sẽ khác. Hiệu trưởng phải là những người có năng lực trình độ, không phải chỉ là nhà lãnh đạo mà còn là một nhà sư phạm" - TS Nguyễn Tùng Lâm phân tích.
 
Ông Lâm cho biết dù nhiều người bày tỏ lo lắng nhưng bản thân ông tin rằng các hiệu trưởng sẽ khó tự tung tự tác khi họ chịu sự giám sát của hội đồng trường. "Đây là mô hình tốt và tôi đã kiến nghị Bộ GD-ĐT triển khai mô hình này ra nhiều trường trên toàn quốc chứ không phải một vài nơi" - TS Lâm cho hay.
 
Hiệu trưởng một trường công lập đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cũng chia sẻ quan điểm ủng hộ việc để các trường tự chủ. Ngoài tự chủ toàn phần về tài chính thì nên giao cho họ quyền tự chủ về biên chế. Các trường công lập đang vướng nhiều cơ chế, ví dụ thiếu giáo viên tiếng Anh để dạy theo chương trình nhưng lại hạn chế về biên chế nên nếu được tự chủ thì họ sẽ được cởi trói để tuyển dụng đội ngũ giáo viên giỏi, nâng cao chất lượng đào tạo.
 
"Tôi ủng hộ việc giao cho hiệu trưởng quyền tự chủ về biên chế. Hiệu trưởng có năng lực sẽ tạo cơ chế thông thoáng để phát triển nhà trường" - một hiệu trưởng cho biết. 
 
Bài và ảnh: Yến Anh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Giáo Dục