Vì sao siêu tàu mắc cạn tại kênh đào Suez lại là sự cố chấn động?

Thứ sáu, 26 Tháng 3 2021 17:37 (GMT+7)
Tuyến đường thủy nhân tạo dài 193 km, được biết đến với tên gọi kênh đào Suez, đã trở thành điểm nóng tiềm tàng cho xung đột địa chính trị kể từ khi nó được mở cửa vào năm 1869.
Giờ đây, đường vận chuyển quốc tế quan trọng này được chú ý vì một lý do khác hẳn: một con tàu dài 400 m của Nhật Bản đã bị mắc cạn tại đây từ ngày 24-3, chặn đường hơn 100 con tàu khác và làm chấn động ngành thương mại hàng hải thế giới. 
 
Với nhiệm vụ cứu hộ dự kiến kéo dài vài tuần, những con tàu vận chuyển khác buộc phải đi vòng qua châu Phi. Tuyến đường này dài hơn 9.656 km so với thông qua kênh đào Suez và tiêu tốn thêm khoảng 300.000 USD cho phí nhiên liệu. 
Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết các tàu nạo vét sẽ cần di chuyển từ 15.000-20.000 m3 cát để đạt độ sâu 12-16 m cho con tàu mắc cạn đi tiếp.
Vì sao siêu tàu mắc cạn tại kênh đào Suez lại là sự cố chấn động? - Ảnh 1.
Tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez. Ảnh: EPA
Dưới đây là một số thông tin cơ bản về lịch sử, cách thức hoạt động của kênh đào Suez, vì sao con tàu bị mắc kẹt và ảnh hưởng của sự cố này.
Kênh đào Suez nằm ở đâu?
Kênh đào Suez nằm ở Ai Cập, nối TP Port Said trên Địa Trung Hải với Ấn Độ Dương qua TP Suez ở miền Nam Ai Cập trên biển Đỏ. Tuyến đường này rút ngắn quãng đường vận chuyển giữa châu Âu và châu Á nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
 
Quá trình xây dựng như thế nào?
Con kênh, ban đầu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư Pháp, được hình thành khi Ai Cập nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman vào giữa thế kỷ 19. Việc xây dựng bắt đầu ở TP Port Said vào đầu năm 1859, quá trình nạo vét mất 10 năm với 1,5 triệu công nhân.
 
Các biến động chính trị ở Ai Cập chống lại 2 nước thực dân Anh và Pháp đã làm chậm tiến độ xây dựng kênh đào. Chi phí cuối cùng cao gấp đôi so với dự kiến ban đầu là 50 triệu USD.
Anh quản lý kênh đào này trong cả hai kỳ thế chiến và họ rút lực lượng vào năm 1956 sau nhiều năm thương thảo với Ai Cập.
Vì sao siêu tàu mắc cạn tại kênh đào Suez lại là sự cố chấn động? - Ảnh 2.
Toàn cảnh tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez. Ảnh: Airbus DS
 
Kênh đào Suez có tải nổi tàu siêu lớn?
Tàu mắc cạn là Ever Given, một trong những con tàu chở hàng lớn nhất thế giới do hãng Evergreen Shipping điều hành. Nó mắc cạn khi đang trên đường từ Trung Quốc sang châu Âu. Tàu có chiều dài bằng với chiều cao tòa nhà Empire State của Mỹ (cao hơn 380 m).
 
Mặc dù ban đầu kênh đào Suez được thiết kế để tiếp nhận các tàu nhỏ hơn, nó đã được mở rộng và nạo vét nhiều lần, gần đây nhất là 6 năm trước với chi phí hơn 8 tỉ USD.
Vì sao Ever Given mắc cạn?
Tầm nhìn kém và gió to khiến các thùng hàng xếp chồng lên nhau của Ever Given hoạt động giống như những cánh buồm, đẩy nó đi chệch hướng và mắc cạn.
 
Các tàu cứu hộ đã thử nhiều biện pháp như kéo Ever Given bằng tàu lai, nạo vét bên dưới thân tàu và sử dụng máy xúc lật để đào ở bờ phía Đông của kênh đào, nơi mũi tàu bị kẹt. Tuy nhiên, kích thước và trọng lượng 200.000 tấn của con tàu khiến họ phải bỏ cuộc.
Một số chuyên gia cứu hộ cho rằng con tàu có thể được giải thoát nhờ thiên nhiên. Cụ thể, một đợt triều cường vào ngày 28-3 hoặc 29-3 có thể làm mực nước tăng thêm khoảng 45 cm, đủ để con tàu tiếp tục di chuyển.
Vì sao siêu tàu mắc cạn tại kênh đào Suez lại là sự cố chấn động? - Ảnh 3.
Nỗ lực cứu hộ tàu Ever Given. Ảnh: EPA
Thiệt hại đến đâu?
Tác động của sự cố sẽ phụ thuộc vào việc kênh đào, nơi xử lý khoảng 10% lưu lượng thương mại hàng hải toàn cầu, bị đóng cửa trong bao lâu. TradeWinds, một ấn phẩm tin tức về ngành hàng hải, cho biết có thể mất hơn một tuần để giải quyết tình trạng ùn tắc khi hơn 100 con tàu đang chờ đi qua kênh đào. 
 
Việc đóng cửa kéo dài có thể gây ra tổn thất nặng nề cho chủ tàu. Một số người có thể quyết định cắt giảm tổn thất bằng cách đi vòng qua châu Phi. Chủ tàu Ever Given đang đối mặt với hàng triệu USD tiền bồi thường bảo hiểm và chi phí cho dịch vụ cứu hộ.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H:Anh Duc (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới