Số khổ của đất nước trẻ nhất thế giới

Thứ năm, 03 Tháng 2 2022 11:35 (GMT+7)
Bị tàn phá bởi nhiều năm xung đột, Nam Sudan – quốc gia trẻ nhất thế giới – không có đủ thời gian hòa bình để xây dựng đất nước.
 
Mới có 200 km đường ở Nam Sudan được trải nhựa. Hiện nay, nước này đang hứng chịu trận lũ lịch sử vốn bắt đầu từ… đầu tháng 6 năm ngoái.
 
Mấy tháng không thoát hết nước
Tháng 12-2021, nhiều tuyến đường chính của bang Unity ngập hoàn toàn trong biển nước. Trên đường không có xe cộ nhưng người dân vẫn qua lại, người bơi kẻ lội cố lướt đi trong làn nước đặc bùn đất. Những ai may mắn hơn thì ngồi ca nô chở theo gia súc và bất cứ tài sản nào còn thu vén được giữa dòng nước lũ.
 
Trên đoạn đường giữa hai thành phố Bentiu và Ding Ding, một nhóm phụ nữ đang cố đẩy chiếc bè tạm bợ bị mắc kẹt trong bùn. Trên bè có 6 đứa trẻ.
 
Số khổ của đất nước trẻ nhất thế giới - Ảnh 1.
Những túp lều ngập đến mái ở Ding Ding. Ảnh: CNN
 
Số khổ của đất nước trẻ nhất thế giới - Ảnh 2.
Người dân ở Bentiu, bao gồm trẻ em, ngụp lặn trong nước lũ. Ảnh: CNN
 
Những người đàn ông trong gia đình đã ngược lên phía Bắc để trông coi đàn gia súc, để lại nhóm phụ nữ chật vật suốt 4 ngày qua với hy vọng đến được vùng đất cao hơn. Một phụ nữ trong nhóm tên Nereka kể với đài CNN rằng thức ăn của họ đã hết nhẵn trong tiếng khóc ré lên của đứa con 5 tháng tuổi.
 
Nhiều năm qua, Nam Sudan phải hứng chịu mùa mưa ẩm ướt hơn bình thường và mùa khô ngày càng khô hạn, biến nước này trở thành một trong nhiều nơi trên thế giới phải vật lộn với vấn đề kép: Hạn hán vừa xong thì mưa trút xuống kinh khủng, tạo điều kiện cho lũ lớn hoành hành.
 
Nam Sudan chỉ mới được 10 năm tuổi. Sau khi giành độc lập từ Sudan vào năm 2011, chỉ hai năm rưỡi sau, đất nước trẻ nhất thế giới chìm vào nội chiến kinh hoàng. Phải đến năm 2020, chiến tranh mới kết thúc song Nam Sudan vẫn đối mặt với bạo lực giữa các cộng đồng dân cư khi người dân giành giật nhau nguồn đất chăn thả vốn rất khan hiếm.
 
Vào thời điểm CNN đăng tải bài viết (tháng 12 năm ngoái), mùa mưa đã qua song lượng nước dồn lại từ tháng 6 chưa rút hết được.
 
Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 850.000 người bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 35.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
 
Nhiều thị trấn hẻo lánh bị bỏ hoang phần lớn, nhiều ngôi nhà ngập tới mái rơm, có người phải ăn những bông hoa lily vừa trổ trên mặt nước lũ.
  
Thực ra Nam Sudan không lạ gì với lũ mùa song trận lũ đang xảy ra tồi tệ đến mức được các quan chức bang Unity mô tả là "chưa từng thấy kể từ đầu thập niên 1960". Khoảng 90% diện tích đất của bang này bị nước lũ tàn phá trong khi mùa mưa kế tiếp chỉ còn 5 tháng nữa là tới.
 
Số khổ của đất nước trẻ nhất thế giới - Ảnh 4.
Thị trấn Rubkona hoang tàn. Ảnh: CNN
Số khổ của đất nước trẻ nhất thế giới - Ảnh 5.
Một người mẹ trẻ đội con lên đầu. Ảnh: CNN
 
"Quýt làm cam chịu"
Theo các nhà khoa học, trái đất càng ấm lên thì vùng Sừng châu Phi và các nước xung quanh càng hứng chịu lượng mưa cực đoan. Nguyên nhân do không khí ấm hơn sẽ giữ ẩm nhiều hơn, tất yếu sẽ gây mưa lớn hơn.
 
Ông John Payai Manyok, phó giám đốc về Biến đổi khí hậu của Nam Sudan, nhấn mạnh: "Tình hình này sẽ dẫn đến khủng hoảng, gây ảnh hưởng cho an ninh lương thực và tạo ra nhiều xung đột trong khu vực hơn, bởi lẽ con người phải cạnh tranh từng chút một để giành lấy những nguồn lực ít ỏi".
 
Vấn đề ở đây không chỉ là phải dọn dẹp đống đổ nát như thế nào mà còn phải học cách thích nghi tốt hơn với các thảm họa thời tiết cực đoan.
 
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ước tính có hơn 500 ngôi trường ở Nam Sudan bị phá hủy, đóng cửa do lũ lụt.
 
Trong khi các nước láng giềng tích cực xây đập và đê thì Nam Sudan chỉ còn biết trông chờ vào sự "nhẹ tay" của các con sông, theo ông Manyok.
 
Đã vậy, các hoạt động của con người khiến sông ô nhiễm và giảm khả năng chứa nước vào lúc mưa to.
 
Số khổ của đất nước trẻ nhất thế giới - Ảnh 7.
Thầy giáo Kuol Gany ở Ding Ding bám trụ lớp học. Ảnh: CNN
 
Số khổ của đất nước trẻ nhất thế giới - Ảnh 8.
Liên Hiệp Quốc hỗ trợ đắp đê ở Nam Sudan. Ảnh: CNN
 
"Chúng tôi cần những công nghệ hiệu quả và phải xây đập, nạo vét bớt phù sa dọc theo sông Nile" – ông Manyok nói. Phù sa bồi đắp trong lòng sông có thể chặn dòng chảy tự nhiên, khiến lũ lụt thêm nghiêm trọng.
 
Oái oăm thay, cũng như nhiều nước đang gánh chịu những hậu quả tồi tệ nhất của khủng hoảng khí hậu, Nam Sudan chỉ thải ra 0,004% lượng khí thải nhà kính của thế giới. Mỹ ngược lại thải tới hơn 14%. Thế nhưng, các nước phát triển lại không giữ được lời hứa đóng góp 100 tỉ USD/năm để giúp các nước đang phát triển cắt giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
 

Bài viết mới nhất của Thế Giới