Tỷ lệ lấp đầy các Khu công nghiệp ngày càng tăng. Nguồn: T/L
Bất động sản công nghiệp đã và đang nổi lên như một kênh đầu tư sáng giá trong những năm gần đây và tiếp tục được xem là “điểm sáng” thu hút vốn trong năm 2021.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng trong quý IV và cả năm 2020, bất động sản khu công nghiệp là loại hình có sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Tại quý IV/2020, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các Khu công nghiệp 05 tỉnh/thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy tại 04 tỉnh/thành phố công nghiệp chính tại miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An) đạt 87,0%.
Do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU (EVFTA), nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên cả nước. Mức giá chào thuê đất của một số Khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20% đến 30% theo năm.
Hoạt động của kho và nhà xưởng xây sẵn duy trì ở mức ổn định theo năm do nguồn cung lớn được đưa vào hoạt động trong năm 2019 và 2020; giá chào cho thuê nhà xưởng tại các Khu công nghiệp trung bình khoảng 60 – 80 nghìn đồng/m2/tháng.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy, vốn nước ngoài đăng ký đầu tư vào bất động sản trong 11 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,8 tỷ USD. Trong đó, bất động sản công nghiệp và bán lẻ đóng vai trò dẫn dắt khi số tiền nhà đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp và bán lẻ chiếm 1/3 trong tổng vốn (trên 400 triệu USD) từ hơn 100 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép mới, chưa kể trên 113 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm cho các dự án đang hoạt động tại Việt Nam.
Sự phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng tích cực của phân khúc bất động sản công nghiệp của Việt Nam được các chuyên gia lý giải là do liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam. Việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam; việc đẩy mạnh chi phí cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và ngăn chặn sự đóng băng trường bất động sản…
Bà Trang Bùi - Giám đốc cấp cao thị trường JLL Việt Nam cho biết, dự kiến làn sóng di dời khỏi Trung Quốc vào năm 2021 và 2022 sẽ đòi hỏi nhiều nguồn cung bất động sản công nghiệp hơn để đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất có giá trị cao. Năm 2020, bất động sản công nghiệp đã tăng trưởng mạnh mẽ suốt mùa dịch và năm 2021 thị trường này sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa. Hàng loạt nhà sản xuất và cả các quỹ đầu tư quy mô tỷ USD đang xúc tiến cơ hội xâm nhập vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam trong năm 2020 để chuẩn bị cho cơ hội phát triển từ năm 2021 trở đi.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, xây dựng hạ tầng dự án các Khu công nghiệp tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam đó là: Quyết định số 226, 229, 230 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng 3 Khu công nghiệp (Cổ Chiên, Tân Đức và Sông Lô II) tại Trà Vinh, Bình Thuận và Vĩnh Phúc; Quyết định số 180/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái (Green iP-1) phân khu Bắc, hạng mục: Khu công nghiệp, tỉnh Thái Bình; Quyết định số 220/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Yên Phong II-A, huyện Yên Phong, Bắc Ninh; điều chỉnh bổ sung quy hoạch một số Khu công nghiệp tại Bắc Giang, Hải Dương, Bình Dương…
Chủ trương phát triển các Khu công nghiệp là đúng đắn, phù hợp, đã góp phần đáng kể cho sự phát triển công nghiệp nói riêng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung, tạo tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Tuy nhiên, dù đứng trước nhiều cơ hội, nhưng theo các chuyên gia, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp Việt Nam còn một số nút thắt cần tháo gỡ, như vấn đề liên quan đến hạ tầng và chi phí logistics; cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn; thực hiện đủ các thủ tục về pháp lý…
Bên cạnh đó, các thủ tục trong xuất nhập khẩu cũng là bài toán cần phải cân nhắc, việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc thông quan hàng hoá cũng như là xuất hàng hoá ra nước ngoài sẽ giúp giảm thiểu được chi phí, tạo lợi thế để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài…
Hiện nay, Chính phủ đang ưu tiên các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao vì đây là những ngành mang tính thời đại, do đó vấn đề về nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam cũng cần phải tính đến.
Linh Đan - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)