Vùng chuyên canh lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn” ở huyện Thới Lai.
Liên kết sản xuất quy mô lớn
Tính đến nay, TP Cần Thơ đã hình thành 6 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, phát triển theo chuỗi gắn với thị trường tiêu thụ, bao gồm: Xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo “Cánh đồng lớn”; Xây dựng vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường; Phát triển vùng trái cây đặc sản gắn với du lịch sinh thái; Xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị; Phát triển vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học; Phát triển vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng. Các vùng chuyên canh này đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, cung ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ðối với việc xây dựng vùng lúa chất lượng cao, đến năm 2020, diện tích đất lúa của thành phố duy trì hơn 81.000ha. Song song đó, thành phố dự kiến mở rộng diện tích lúa liên kết theo “Cánh đồng lớn” đạt bình quân 40.000ha/vụ. Ðối với vùng chuyên canh rau an toàn, từ năm 2009 đến nay, thành phố vận động nông dân tổ chức 75 mô hình liên kết sản xuất chuyên canh rau; mỗi mô hình khoảng 10ha, với 25-30 hộ tham gia. Ngoài ra, thành phố còn có vùng sản xuất rau quả tươi chuyên ứng dụng công nghệ cao quy mô 750ha. Trên địa bàn thành phố cũng hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với du lịch nông nghiệp tại quận Cái Răng, Bình Thủy và huyện Phong Ðiền,... Ở lĩnh vực thủy sản, thành phố đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn GAP, ASC, SQF, BMP,… nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Ðể hình thành được các vùng chuyên canh quy mô lớn, vai trò kết nối của ngành Nông nghiệp hết sức quan trọng. Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp thành phố đã liên hệ đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để gắn kết xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu cho doanh nghiệp. Ðồng thời, tổ chức hướng dẫn nông dân ghi chép sổ nhật ký sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch hại theo hướng hữu cơ sinh học, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của thị trường quốc tế. Ðến nay, thành phố đã xây dựng và liên kết được 3 loại cây ăn quả chủ lực (xoài, nhãn và vú sữa) đáp ứng đủ các yêu cầu để xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc và được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn giá thị trường từ 10-20%. Kết quả này cho thấy trình độ sản xuất của nông dân được nâng cao và phía doanh nghiệp cũng quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn và chia sẻ lợi nhuận cho nông dân.
Cần trợ lực
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thời gian tới, thành phố tiếp tục xây dựng và nâng chất các vùng sản xuất chuyên canh tập trung phù hợp với điều kiện của từng địa phương; sản xuất gắn với tiêu thụ; phát triển được thế mạnh của các vùng chuyên canh truyền thống ở các quận, huyện. Ðồng thời, từng bước hình thành vành đai thực phẩm và các vùng du lịch sinh thái vườn, làng hoa kiểng, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao góp phần phát triển nền nông nghiệp đô thị. Song song đó, các kế hoạch, chương trình triển khai, thực hiện đề án sẽ được điều chỉnh, bổ sung hằng năm cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất, tiến bộ kỹ thuật công nghệ hiện đại trong nước và trên thế giới.
Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Với lợi thế phát triển cây lúa, Cờ Ðỏ chọn mô hình “Cánh đồng lớn” làm khâu đột phá. Hiện toàn bộ 10 xã, thị trấn của huyện đều có mô hình này và quy mô đã trên 32.000ha. Huyện đang làm việc với Tập đoàn Lộc Trời để mở rộng quy mô “Cánh đồng lớn” trong vụ đông xuân 2020-2021. Không chỉ vậy, “Cánh đồng lớn” liên kết với Tập đoàn Lộc Trời được định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế SRP (Diễn đàn Lúa gạo bền vững) để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ nhà nhập khẩu”.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, thời gian qua, huyện Phong Ðiền đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng vườn kiểu mẫu với diện tích hàng chục đến hàng trăm héc-ta. Các xã, thị trấn của huyện đã có những sản phẩm cây ăn trái gắn liền với địa phương mình. Ðiển hình như, vùng vùng trồng vú sữa ở xã Giai Xuân hay vùng dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái, vùng trồng nhãn ở xã Trường Long, vùng trồng sầu riêng tại xã Tân Thới... Tuy nhiên, người nông dân chưa tiếp cận được với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm trong khi việc đưa sản phẩm vào siêu thị lại gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, huyện kiến nghị thành phố đề ra các giải pháp thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng; tăng kinh phí trợ giá cây giống cho nhà vườn...
Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn nhân lực là yếu tố cần thiết để xây dựng vùng chuyên canh nông sản. Do đó, các đơn vị có liên quan cần chủ động phối hợp với các viện, trường để tổ chức huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các thành tựu khuyến nông về sử dụng giống mới, phương pháp sản xuất hiện đại cho nông dân. Ngoài ra, thành phố cần huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế để cùng tham gia sản xuất các sản phẩm nông sản có giá trị theo quy trình GAP để cung cấp cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. “Ðể hình thành vùng chuyên canh nông sản quy mô lớn, chất lượng ổn định, đúng tiêu chuẩn thì vấn đề liên kết “4 nhà” phải được thắt chặt hơn nữa. Và trong mối liên kết ấy “mỗi nhà” cũng phải phát huy tối đa vai trò của mình một cách đồng bộ, hiệu quả mới có thể đem lại thành công như mong đợi” - bà Phạm Thị Minh Hiếu nhấn mạnh.
Bài, ảnh: MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)