Nông dân Lai Vung triển khai nhiều giải pháp vực dậy cây có múi
Triển khai quy trình chuẩn cho cây có múi
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp (TT&BVTV), từ năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND huyện Lai Vung triển khai các mô hình thí điểm biện pháp khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi theo quy trình khuyến cáo của Trường Đại học Cần Thơ. Qua 2 năm triển khai cho thấy, các mô hình đều cho kết quả tốt, phục hồi 80 - 90%...
Nhằm khôi phục lại vườn cây có múi, Chi cục TT&BVTV tỉnh và các chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ xây dựng quy trình tạm thời khắc phục bệnh vàng lá thối rễ trên cây có múi để nhà vườn thực hiện. Trong đó, về biện pháp cải thiện đất, khuyến cáo nông dân xẻ rãnh xương cá nhằm hạn chế úng nước trong mùa mưa, kết hợp với việc xeo đất qua khỏi lớp sét đã lợp (độ sâu từ 20 - 40cm, tùy tình trạng lớp sét). Thời gian xeo đất tốt nhất vào trước giai đoạn xiết nước ra hoa để ít làm tổn thương cây. Sau khi xeo đất, quy trình khuyến cáo nông dân bón CaO vào các kẽ đất trước xử lý ra hoa và sau xử lý ra hoa. Cùng với đó sử dụng trấu tươi, phân Dolomite (hoặc Calmag), phân hữu cơ ủ hoai vào các kẽ đất cho mỗi gốc cam, quýt ở giai đoạn trước xử lý ra hoa. Trước khi bón phân hữu cơ nên xới nhẹ lớp đất mặt để phân dễ tiếp xúc với rễ.
Để phòng trị bệnh thối rễ (vuột da) do nấm Fusarium solani gây hại, khuyến cáo nông dân sử dụng chế phẩm sinh học Tricô-Thối Rễ từ 10-20g/gốc, kết hợp phân hữu cơ ủ hoai. Tưới ở vùng rễ mền xung quanh tán cây. Đối với vườn nhiễm nặng, nên tưới đều mặt liếp để diệt các mầm bệnh trong liếp. Với bệnh thối gốc do nấm Phytophthora nicotianae gây hại (còn gọi là bệnh xì mủ gốc, ngủ ngày, héo xanh), sử dụng chế phẩm sinh học Tricô-Phytoph từ 10-15g/gốc (phòng bệnh: 10g/gốc) kết hợp phân hữu cơ ủ hoai (5kg/gốc) tưới ở vùng xung quanh gần đến sát gốc cây. Cần phun thêm Tricô-Phytoph lên tán, thân cây (2 - 3g/lít) và luân phiên với phun vôi (5g/lít vôi nóng CaO). Nên kết hợp với quét vôi từ gốc kéo dài lên thân cây khoảng 1,0 – 1,5m (10 g/lít vôi nóng CaO + adao, hoặc dùng vôi quét tường) từ đầu đến cuối mùa mưa (tháng 5-11 dương lịch, cách 2 tháng/lần) để ngừa bệnh lây lan.
Nếu là bệnh do tuyến trùng gây hại, nông dân được khuyến cáo sử dụng chế phẩm sinh học Tricô-tuyến trùng từ 10-20 gram/gốc kết hợp rải rơm khô đều mặt liếp (0,5kg/gốc) và bón phân hữu cơ ủ hoai (5kg/gốc). Tưới dưới tán, tập trung ở vùng rễ mền xung quanh tán cây (lúc cây đang ra rễ non). Đối với vườn nhiễm nặng, nên tưới đều mặt liếp (20g/cây) để diệt các mầm bệnh trong liếp...
Ông Trần Hữu Hớn ngụ ấp Long Hưng 2, xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “2 năm qua, gia đình tôi thực hiện theo mô hình ứng dụng quy trình khắc phục bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi với diện tích 1.000m2, kết quả cho thấy, vườn cây có sự hồi phục tốt khoảng 50%. Từ những kết quả tích cực trên, tôi quyết định áp dụng phương pháp này cho toàn bộ diện tích cây có múi với hơn 1,3ha”.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình vẫn còn nhiều trở ngại. Theo PGS.TS. Lê Văn Vàng - Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, qua quá trình thăm vườn phát hiện sinh vật ngài trên cây gây rụng trái. Để khắc phục thực trạng này, nông dân có thể sử dụng bẫy chua ngọt để thu hút con ngài.
GS.TS. Trần Văn Hâu - Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trong quá trình canh tác khôi phục lại diện tích cây có múi, địa phương cần hiểu rõ các vấn đề cốt yếu về nguồn gốc dịch để ngăn chặn bằng các tác nhân sinh học. Đồng thời hiểu về hình thức lây lan mà tác nhân là từ đất, nước tưới, con người; vai trò của tuyến trùng, nhện, rệp sáp, nấm... Từ cơ sở đó, khuyến cáo nông dân phải quan tâm hơn việc cung cấp dinh dưỡng cho đất và bộ rễ của cây, góp phần tạo sức đề kháng cho cây. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc, phân bón, nông dân phải quan tâm hơn đến giải pháp sinh học thay cho biện pháp hóa học để giảm sự che chở của đất với các sinh vật có hại. Điều này thể hiện qua việc xeo đất rồi sử dụng phân hữu cơ để giúp bộ rễ phát triển... Bên cạnh đó, cần chọn giống sạch bệnh và giải quyết tốt vấn đề vàng lá Greening...
Ông Trần Thanh Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp đánh giá: “Qua quá trình thực hiện quy trình, lớp đất mặt được tơi xốp, nhiều hữu cơ, không còn hiện tượng đóng váng. pHKCl được cải thiện ở độ sâu 0-40cm cách mặt đất so với trước khi thực hiện mô hình. Bên canh đó, nông dân nhiệt tình thực hiện mô hình và tuân thủ khá tốt các biện pháp khuyến cáo. Từ hiệu quả tích cực của mô hình mang lại, nông dân mạnh dạn áp dụng quy trình canh tác này cho liếp đối chứng trong vườn”.
Ông Huỳnh Tất Đạt – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua việc triển khai 5 mô hình thí điểm trên cây có múi bước đầu có kết quả đáng mừng là cây dần hồi phục. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với chuyên gia hoàn chỉnh quy trình khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi và sớm có quy trình chuẩn. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh chuẩn bị tốt nguồn giống tốt để tạo điều kiện cho nông dân khôi phục lại cây quýt hồng...
Triển khai Đề án bảo tồn quýt hồng
Để khôi phục lại loại cây thế mạnh của huyện Lai Vung, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt Đề án Bảo tồn vườn quýt hồng Lai Vung, giai đoạn 2020 – 2024. Trong đó, triển khai thực hiện tại các xã: Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành và phát triển sang vùng phụ cận thuộc xã Hòa Long. Tổng nguồn vốn thực hiện Đề án hơn 73 tỷ đồng. Những hộ tham gia Đề án sẽ được hỗ trợ kinh phí theo 2 nội dung là khắc phục dịch bệnh được hỗ trợ hơn 53 triệu đồng/ha và đối với diện tích trồng lại được hỗ trợ hơn 83 triệu đồng/ha.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2021 bước đầu khắc phục dịch bệnh 198,71ha, hỗ trợ giống trồng lại cho 80ha và đến năm 2024 diện tích bảo tồn đạt 546,63ha. Trong đó, khu vực khắc phục dịch bệnh là 198,71ha, khu vực trồng lại hoàn toàn là 347,92ha.
Ông Võ Văn Quang ngụ xã Tân Phước, huyện Lai Vung chia sẻ: “Thực tế cho thấy, việc sử dụng phân chuồng truyền thống hạn chế phân hóa học giúp cây phát triển rất tốt. Bên cạnh đó nên áp dụng công nghệ cao tạo ra cây sạch bệnh cùng với việc cải tạo đất sẽ là giải pháp để khôi phục lại cây quýt hồng địa phương”.
Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó Phòng NN&PTNT huyện Lai Vung cho biết: “Thời gian tới, để triển khai hiệu quả Đề án, địa phương và các ngành sẽ tổng hợp diện tích khắc phục dịch bệnh và diện tích trồng lại. Trên cơ sở đó, xác định lượng giống và phân hữu cơ cần thiết cho từng năm. Đối với diện tích khắc phục dịch bệnh, Đề án sẽ hỗ trợ nông dân kiểm tra bệnh vàng lá gân xanh trên giống. Còn đối với vùng trồng lại hoàn toàn, Đề án sẽ phối hợp lựa chọn cây giống chuẩn”.
Theo ông Huỳnh Duy Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, bên cạnh những giải pháp của ngành chức năng, địa phương đề nghị người dân khi tham gia thực hiện Đề án phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, giải pháp công nghệ của nhà khoa học đưa ra; tham gia đầy đủ các lớp đào tạo, tập huấn và hướng dẫn của ngành chức năng liên quan đến Đề án… Tất cả vì mục tiêu giữ vững cây quýt hồng trên đất Lai Vung.
Nhật Khánh - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)