Thăng trầm cây kiệu ở Phú Hiệp

Thứ hai, 31 Tháng 5 2021 07:16 (GMT+7)
Kiệu Phú Hiệp (xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông) ghi dấu ấn với người tiêu dùng bởi hương vị vừa cay nồng lại vừa ngọt thanh. Chính hương vị đặc biệt này, nhiều năm qua, kiệu Phú Hiệp trở thành một loại đặc sản được thị trường ưa chuộng. Nhằm khai thác thế mạnh của loại nông sản này, nông dân địa phương đã không ngừng phát triển, mở rộng diện tích sản xuất kiệu.
Bà Nguyễn Thị Cưng bên cạnh sản phẩm dưa kiệu
 
Nông dân vẫn bền lòng với cây kiệu
 
Không ai nhớ chính xác cây kiệu bén rễ ở vùng đất Phú Hiệp của huyện Tam Nông từ khi nào.
 
Theo nhiều nhà nông cao niên tại đây, vào khoảng đầu những năm của 70 của thế kỷ trước, cây kiệu đã “bén rễ” tại vùng đất Phú Hiệp. Ban đầu, cây kiệu chỉ được một vài nông dân trồng thí điểm với diện tích nhỏ lẻ để cung cấp cho thị trường Tết.
 
Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất nơi đây và lợi nhuận kinh tế mang lại khả quan nên ngày càng có nhiều nông dân chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng kiệu. Hiện tại, ngoài khu vực xã Phú Hiệp, các địa bàn lân cận như xã Phú Thọ, Phú Thành B được nông dân trồng kiệu mở rộng diện tích sản xuất.
 
Ngoài kiệu thương phẩm, mặt hàng kiệu giống Phú Hiệp cũng nức tiếng xa gần. Kiệu giống được cung ứng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam bộ và khu vực miền Trung. Theo nhiều nông dân trồng kiệu có thâm niên với nghề, kiệu giống có thời gian canh tác dài và chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với kiệu thương phẩm.
 
Năm nào thị trường thuận lợi, nông dân trồng kiệu giống sẽ có thu nhập cao hơn nhiều so với sản xuất kiệu thương phẩm hay trồng lúa. Trung bình một công kiệu (1.300m2), sau 6 tháng canh tác, nông dân thu hoạch được khoảng 1,5 – 2 tấn kiệu giống.
 
Với giá bán thuận lợi, nông dân có thể lãi khoảng 60 – 70 triệu đồng/công/năm. Với mức lợi nhuận vô cùng hấp dẫn khiến diện tích trồng kiệu tại huyện Tam Nông tăng vọt trong những năm gần đây. Từ việc phát triển “nóng” diện tích kiệu trong thời gian qua khiến cho tình trạng cung vượt cầu, giá kiệu lao dốc mạnh, nhiều nông dân phải rơi vào tình cảnh nợ nần.
 
Ông Phạm Hoàng Bộ - Chủ nhiệm Hiệp Tân Hội quán, xã Phú Hiệp tâm sự: “Gắn bó với cây kiệu hơn 20 năm, tôi và nhiều nông dân ở đây không ít lần lâm vào tình cảnh lao đao, phải bán đứt 30 công đất vì thua lỗ.
 
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết chí phát triển và gắn bó với cây kiệu cho đến cùng. Bởi lẽ chúng tôi trồng kiệu không chỉ vì kinh tế mà nó còn là niềm tự hào về quê hương xứ sở.
 
Vì không phải vùng đất nào cũng có thể trồng kiệu giống. Vào mỗi mùa thu hoạch, khách hàng ở các tỉnh điện thoại rôm rả đặt hàng là trong lòng tôi lại hân hoan, vui sướng. Chính chất lượng của kiệu Phú Hiệp nên nông dân ở các tỉnh tin tưởng chọn lựa để canh tác trong mấy chục năm qua”.
 

Trải qua bao thăng trầm, nông dân xã Phú Hiệp vẫn quyết chí phát triển và gắn bó với cây kiệu
 
Cần có chiến lược lâu dài để kiệu Phú Hiệp vươn xa
 
Nhiều năm qua, kiệu Phú Hiệp tạo được tiếng vang và chiếm được sự lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, với những biến động khó lường từ thị trường đi kèm với việc chưa kiểm soát được diện tích chuyên canh kiệu, nông dân còn hạn chế về thông tin thị trường nên sau mỗi mùa thu hoạch kiệu là những câu chuyện buồn.
 
Bà Nguyễn Thị Cưng - chủ Cơ sở sản xuất chế biến dưa kiệu Thành Công 2 ngụ xã Phú Hiệp bùi ngùi nói: “Ở vùng này, chưa có loại cây trồng nào cho lợi nhuận khủng và nhanh như cây kiệu. Năm 2018, gia đình tôi trồng 30 công kiệu.
 
Nhờ thời tiết thuận lợi, năm đó kiệu vừa trúng mùa lại được giá giúp tôi bỏ túi hơn 1 tỷ đồng. Nhận thấy trồng kiệu lợi nhuận cao, năm sau, tôi mở rộng diện tích canh tác lên 100 công nhưng không ngờ kiệu rớt giá thảm hại, tôi lỗ hơn 2 tỷ đồng. Sau mùa kiệu đầy nước mắt, tôi phải bán 100 công đất để trả nợ và từ giã nghiệp trồng kiệu”.
 
Cứ ngỡ sau biến cố với cây kiệu, bà Cưng sẽ không bao giờ gắn bó lại với loại cây trồng này. Thế nhưng nhờ tay nghề làm dưa kiệu ngon có tiếng, năm 2020, bà Nguyễn Thị Cưng chuyển sang nghề chế biến dưa kiệu. Do năm đầu khởi nghiệp, chưa có nhiều mối quen, mùa Tết năm 2020, bà Cưng sản xuất khoảng trên 3.000 keo dưa kiệu (tương đương với khoảng 6 tấn kiệu tươi) cung cấp cho thị trường.
 
Sau năm đầu khởi nghiệp, sản phẩm dưa kiệu từng bước tiếp cận với người tiêu dùng và nhận được những phản hồi tích cực từ thị trường, dịp Tết Nguyên đán năm 2021, bà Cưng nâng quy mô sản xuất lên đến trên 8.000 keo dưa kiệu thành phẩm để cung cấp cho thị trường các tỉnh.
 
“Tôi không dám nghĩ sản phẩm dưa kiệu của quê hương Phú Hiệp lại được người tiêu dùng yêu mến như thế. Hiện tại, cơ sở sản xuất quanh năm để cung ứng cho thị trường. So với trồng kiệu thì lợi nhuận từ làm dưa kiệu không là bao nhưng đây thật sự là một giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết tốt việc ùn ứ nguyên liệu vào mỗi mùa vụ, giải quyết vấn đề lao động nhàn rỗi ở địa phương”, bà Cưng phấn khởi nói.
 
Với những nỗ lực không ngừng, năm 2020, sản phẩm dưa kiệu của bà Cưng vinh dự đạt chứng nhận 3 sao sản phẩm OCOP, góp phần giúp sản phẩm dưa kiệu của bà Cưng có thể vươn xa hơn. Hiện, ngoài bà Cưng, một số hộ lân cận cũng tiến hành sản xuất dưa kiệu cung cấp cho thị trường. Mặc dù quy mô sản xuất hiện nay của một số hộ chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ nhưng đây là hướng đi mới giúp mang lại giá trị gia tăng cho cây kiệu ở Phú Hiệp.
 
Theo ông Lưu Văn Tiến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, vừa qua, sản phẩm kiệu Phú Hiệp chính thức được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đây là yếu tố quan trọng để sản phẩm nông sản của địa phương có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
 
Hiện tại, để nâng cao giá trị cho sản phẩm củ kiệu của địa phương, những năm qua, huyện có nhiều chính sách khuyến khích người dân đẩy mạnh chế biến nhằm tăng giá trị cạnh tranh và giảm áp lực mùa vụ đối với cây kiệu. Một vài sản phẩm dưa kiệu của nông dân địa phương từng bước được người tiêu dùng đón nhận.
 
Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay đối với cây kiệu vẫn còn một số khó khăn như: thị trường tiêu thụ không ổn định, dịch hại trên cây kiệu, sản phẩm kiệu giống vẫn chưa được đầu tư nhãn mác bao bì chuyên nghiệp... Do đó, sản phẩm kiệu vẫn chưa tạo được vị thế trên thị trường.
 
Nhằm từng bước giúp chuỗi sản xuất của cây kiệu được chuyên nghiệp và cạnh tranh hơn, địa phương đang phối hợp với các viện, trường hoàn thiện quy trình canh tác chuẩn cho cây kiệu và hướng đến sản xuất đạt chuẩn VietGAP. Ngoài ra, địa phương đang tích cực tìm kiếm các đối tác doanh nghiệp liên kết tiêu thụ với nông dân...
 
Hướng tới sự phát triển bền vững, bà con trồng kiệu cần có những thay đổi về tư duy canh tác, áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch - an toàn. Đồng thời đẩy mạnh liên kết “làm ăn” với doanh nghiệp; đầu tư nhãn mác, thiết kế bao bì chuyên nghiệp, truyền thông cho sản phẩm là những giải pháp cần thiết để sản phẩm kiệu Phú Hiệp tiếp cận sâu với thị trường...
 
MỸ LÝ - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Ngành Giống nông sản - Thủy sản