Trong cuộc gặp báo chí chiều 19-4 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack cho biết chuyến thăm Việt Nam của ông đã đề cập đến vấn đề mở rộng cơ hội thương mại song phương, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack (giữa) trao đổi với báo giới chiều 19-4 tại Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc
Việc mở cửa thị trường cho quả bưởi chùm của Mỹ gần đây là một trong những sự kiện mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho trái cây của hai quốc gia. Hai bên cũng đang hoàn tất thủ tục để mở cửa thị trường cho dừa và chanh leo của Việt Nam.
Phía Mỹ cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để giúp Việt Nam hiện đại hóa hệ thống thương mại của mình.
"Việt Nam đặt mục tiêu rất táo bạo về việc đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Việt Nam cũng đang tăng cường hợp tác với Mỹ trong một số sáng kiến và chương trình hợp tác liên quan. Chúng tôi đã mời Chính phủ Việt Nam và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tham dự Hội nghị bộ trưởng đổi mới nông nghiệp ứng phó biến đổi khí hậu (AIM for Climate) đầu tháng 5 tới tại Mỹ. Đây là sáng kiến mới của Mỹ nhằm đẩy nhanh tiến độ thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đến nay đã có 450 thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Cùng với sáng kiến này, Mỹ có thể cùng Việt Nam giảm phát thải metan trong nông nghiệp, với các chương trình phân bón của Mỹ" - Bộ trưởng Thomas Vilsack nói.
Trong buổi nói chuyện với sinh viên Đại học Ngoại thương cùng ngày 19-4, Bộ trưởng Thomas Vilsack cho biết Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) sẽ giảm và tiến tới dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan đối với các sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường. Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong mục tiêu này.
Ông cho biết Mạng lưới thích ứng với biến đổi khí hậu quốc tế, sẽ ra mắt tại hội nghị này.
Bộ trưởng Thomas Vilsack nhấn mạnh Việt Nam có vai trò lớn trong vấn đề an ninh lương thực toàn cầu khi là quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới. Mỹ muốn tăng cường hỗ trợ và hợp tác để giảm phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính trong sản xuất nông nghiệp để Việt Nam đóng góp tốt hơn.
Tại Mỹ có chương trình nông nghiệp thông minh về khí hậu, một số dự án trong số đó rất phù hợp với Việt Nam như phương pháp về sử dụng phân bón bền vững nhằm giảm phát thải metan trong sản xuất lúa gạo. Mỹ sẽ chia sẻ những bài học phù hợp với nông dân trên thế giới trong mạng lưới thích ứng với biến đổi khí hậu quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đang trong quá trình củng cố hệ thống pháp lý và kiểm soát an toàn để đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn trên thế giới. "Chúng tôi đã nhận được đề nghị của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực cải cách hệ thống pháp lý, chứng nhận để sản phẩm Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn"- Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ cho biết.
Theo ông, việc có hệ thống thương mại hiệu quả cũng giúp Việt Nam đóng góp tốt hơn cho an ninh lương thực toàn cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải vào năm 2030. Dự kiến Việt Nam sẽ cần đầu tư ít nhất 40.000 tỉ đồng (tương đương 1,7 tỉ USD) cho mục tiêu này.
Bộ trưởng Thomas Vilsack cho biết các hỗ trợ tài chính và công nghệ của Mỹ cho đề án trên là vấn đề đã được nêu ra trong các cuộc thảo luận của ông với lãnh đạo Việt Nam lần này.
Trong đó, Mỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho đề án của Việt Nam thông qua chương trình sử dụng phân bón hiệu quả và bền vững; đồng thời chia sẻ thông tin và bài học kinh nghiệm tốt thông qua Mạng lưới thích ứng biến đổi khí hậu quốc tế, dự kiến ra mắt tại hội nghị AIM for Climate đầu tháng 5 tới.
Ông cho biết hiện sáng kiến AIM for Climate đã nhận được cam kết hỗ trợ ít nhất 10 tỉ USD cho các nước đang phát triển như Việt Nam về các kỹ thuật canh tác ứng phó biến đổi khí hậu. Sau hội nghị vào tháng 5 tới tại Mỹ, số tiền cam kết có thể còn cao hơn nữa.
Một số doanh nghiệp Mỹ cũng đang quan tâm đến mảng nông nghiệp tại Việt Nam, do đó cơ hội để hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm canh tác bền vững là rất tiềm năng.
Liên quan đến việc xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Mỹ đang giảm, Bộ trưởng Thomas Vilsack cho biết khả năng nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ gắn liền với tính chất của nền kinh tế Mỹ. Do lạm phát gia tăng ở Mỹ, việc xây dựng và bán nhà ở Mỹ chậm lại. Tuy nhiên, hiện đã bắt đầu kiểm soát được lạm phát, dự đoán thời gian sắp tới nhập khẩu nội thất của Mỹ từ Việt Nam sẽ được khôi phục lại.