Ngày 7-6, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết đã tiếp nhận nữ bệnh nhân P.T.H. (32 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng mắt và môi sưng nề, đặc biệt môi bệnh nhân đỏ tấy như quả cà chua.
Bệnh nhân H. cho biết trước đó 10 ngày chị có tiêm filler ở môi, mắt và thái dương để trẻ hoá tại một thẩm mỹ viện ở Hà Nội. Sau tiêm 4 ngày, xuất hiện sưng nề nhiều vùng mắt và môi.
Bệnh nhân H. bị biến chứng sưng nề vùng môi sau tiêm filler - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết bệnh nhân nhập viện ngày 6-6. Qua thăm khám, ghi nhận bệnh nhân có tổn thương sưng nề, căng bóng, sờ có khối chắc và vết dò ở môi trên và môi dưới. Nguyên nhân là do phản ứng sau tiêm filler. Sau khi đánh giá tình hình bệnh, bệnh nhân đã được tiêm thuốc giải và sử dụng chống phù nề, giảm viêm.
Theo bác sĩ Hà, với với những sản phẩm filler có nguồn gốc rõ ràng, được cấp phép lưu hành thì biến chứng nói trên thường rất ít gặp. Tuy nhiên, khi khách hàng được tiêm bằng các sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc hoặc tại các cơ sở không đáng tin cậy, không được cấp phép thì tỉ lệ gặp các biến chứng này cũng tăng lên.
Do đó, bác sĩ Hà khuyến cáo khách hàng khi có nhu cầu làm đẹp bằng các sản phẩm chất làm đầy, nên đến các cơ sở y tế có uy tín và được cấp phép. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần được tư vấn các biến chứng có thể xảy ra và các hướng xử trí khi cần thiết.
Khi có biến chứng xảy ra, nên đến các cơ sở y tế tuyến cao, có giấy phép hành nghề để xử trí, tránh biến chứng gây hậu quả xấu về thẩm mỹ.
Trước đó ít ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhân nữ 23 tuổi ở Hà Nội nhập viện vì mũi sưng nề tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi sau khi tiêm filler nâng mũi tại một cơ sở spa. Do chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá huỷ tế bào nên bệnh nhân này vẫn đang được theo dõi, điều trị.