Với các máy may hiện đại vừa sắm, công việc may gia công của chị Nguyễn Thị Huệ thuận lợi hơn, thu nhập tăng cao
Theo khảo sát, toàn huyện có 1.655 LĐ đang tham gia nghề may gia công và 890 LĐ có nhu cầu tham gia. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay đối với nghề may gia công ở huyện Hồng Ngự là nguồn vốn trang bị máy may. Bởi, nếu muốn làm ra nhiều sản phẩm, tiết kiệm thời gian, người may phải đầu tư các máy may hiện đại cùng 1 máy se lai, 1 máy vắt sổ. Trong khi chi phí cho các loại máy này trên dưới 20 triệu đồng. Do vậy, rất ít hộ may ở nông thôn có điều kiện mua đủ các máy mà phần nhiều chỉ trang bị máy may. Điều này đồng nghĩa, các công đoạn khác phải tốn thêm chi phí gia công bên ngoài, đồng thời làm ảnh hưởng đến năng suất LĐ và mất nhiều thời gian cho sản phẩm. Chính vì thế, thu nhập của mỗi LĐ cũng chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng.
Nhìn thấy tiềm năng và cơ hội phát triển của nghề may gia công, huyện Hồng Ngự triển khai dự án hỗ trợ cho vay vốn mua máy may cho LĐ nhàn rỗi ở nông thôn (gọi tắt là dự án). Dự án này giúp các hộ vay có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Cuối tháng 3/2018, dự án được giải ngân với 51 hộ ở các xã: Thường Thới Tiền, Long Khánh A và Phú Thuận B.
“Mỗi hộ được vay từ 15 - 20 triệu đồng, tổng số vốn giải ngân là 825 triệu đồng. Được biết, số tiền giải ngân cho các hộ trong dự án là từ các nguồn như: Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và huyện; vốn vay giải quyết việc làm của Quốc gia, của tỉnh và nguồn vốn thu hồi từ các dự án khác nhưng không hiệu quả. Với thời hạn hoàn vốn khá dài từ 3-5 năm cũng giảm đáng kể áp lực cho LĐ tham gia dự án” – ông Nguyễn Văn Mến – Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Hồng Ngự cho biết.
Hơn 2 tháng kể từ ngày giải ngân, chị Võ Kim Bình (42 tuổi) ngụ ấp Long Hậu, xã Long Khánh A đã dùng nguồn vốn vay mua máy may hiện đại 3 kim, phục vụ cho việc may gia công tại nhà. Chị Bình phấn khởi cho biết: “Lúc chưa tiếp cận được nguồn vốn, nhà chỉ có 1 máy may phải may nhiều công đoạn nên tốn thời gian khá nhiều. Sản phẩm làm ra rất ít, mỗi ngày thu nhập chỉ khoảng 100 ngàn đồng. Từ khi được vay vốn 20 triệu đồng, tôi mua thêm máy may, nhờ đó sản phẩm làm ra nhiều hơn, ít tốn thời gian, thu nhập trên 200 ngàn đồng/ngày”.
Chị Nguyễn Thị Huệ (SN 1982) ngụ ấp Thượng 1, xã Thường Thới Tiền cho biết, trước đây chồng chị làm thuê, còn chị thì may gia công tại nhà, nhưng cuộc sống rất khó khăn do thu nhập bấp bênh. Sau khi vay vốn 20 triệu đồng từ dự án, chị đầu tư mua máy may 1 kim, máy may 2 kim và máy vắt sổ. Từ ngày có máy may, vợ chồng chị tập trung vào việc may gia công tại nhà, mỗi ngày có thu nhập gần 500 ngàn đồng. “Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ mà hiện tại việc làm của vợ chồng tôi được ổn định. Lúc trước không có đủ máy may, công việc may gia công rất vất vả, phải làm thêm nhiều việc khác. Hiện tại, hàng có may liên tục, nhiều máy nên may nhiều hơn, thu nhập cao hơn, cuộc sống đỡ khó khăn...” - chị Huệ tâm sự.
Đánh giá lại mô hình, tháng 5 vừa qua, lãnh đạo huyện Hồng Ngự cùng các ngành liên quan đã có chuyến kiểm tra thực tế tại các hộ gia đình tham gia dự án. Đoàn đã ghi nhận nhiều tín hiệu vui về hiệu quả của dự án. Trong đó, có không ít LĐ trên 50 tuổi vẫn tham gia, nhờ tiếp cận nguồn vốn có được việc làm và thu nhập ổn định.
Ông Nguyễn Văn Mến nhận xét: “Đây là mô hình mới mà huyện muốn thực hiện lồng ghép với tạo việc làm cho phụ nữ và các đối tượng chưa có việc làm. Người tham gia dự án có thu nhập mỗi tháng từ 3 - 6 triệu đồng. Chủ trương của huyện là mô hình nào thu hút LĐ nhưng thiếu vốn thì huyện sẽ hỗ trợ cho mô hình phát triển. Do vậy, thấy được tiềm năng và cơ hội phát triển nên chúng tôi tập trung giải ngân vốn cho dự án này. Để phấn đấu thực hiện mục tiêu nâng tỉ lệ nữ trong độ tuổi LĐ có việc làm lên 48%, huyện sẽ tranh thủ nhiều nguồn để giúp mô hình này tiếp tục phát triển”.
Từ tín hiệu tích cực của dự án, trong tháng 6 này, huyện sẽ giải ngân thêm 715 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu vay vốn của 41 hộ tại 2 xã Long Khánh B và Phú Thuận B. Còn với những LĐ đã vay vốn, khi đã có việc làm và thu nhập ổn định sẽ là cơ sở để họ hướng đến mục tiêu thoát nghèo.