Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống gắn bó lâu đời với đồng bào Chăm ở tỉnh An Giang. Giai đoạn hưng thịnh, làng nghề có hàng trăm hộ tham gia. Giờ, chỉ còn lại cơ sở dệt thổ cẩm của ông Mohamad (61 tuổi; ngụ tổ 4, ấp Phũm Soài, Châu Phong, thị xã Tân Châu).
Cơ sở dệt thủ công của ông Mohamad chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng túi xách thổ cẩm, khăn rằn, khăn đội, xà rông, nón Chăm… nhằm giữ lại nét truyền thống của cha ông để lại và bảo tồn nét văn hóa của cộng đồng Chăm. Giờ, các sản phẩm phần lớn sản xuất ra bán cho khách du lịch đến tham quan, bán ở một số TP lớn để làm quà lưu niệm và các đơn đặt hàng xuất sang nước ngoài.
"Tôi đủ khả năng đầu tư máy dệt hiện đại, giúp thời gian dệt nhanh hơn nhưng sản phẩm không còn giữ được nét đặc trưng của làng nghề dệt thổ cẩm Chăm. Nghề dệt thủ công tuy chậm nhưng sản phẩm bền hơn, du khách thích hơn", ông Mohamad chia sẻ.
Đến cơ sở dệt thổ cẩm Chăm của ông Mohamad, du khách sẽ cảm nhận được nét đẹp truyền thống kết hợp với hiện đại, những người trong cơ sở này luôn thân thiện, gần gũi, mến khách.
Bà Maridam, thợ dệt thổ cẩm Chăm, tâm sự: "Nghề dệt thổ cẩm Chăm bất cứ phụ nữ nào cũng phải biết. Khoảng 12 tuổi, tôi được tập những thao tác đơn giản nhất của nghề dệt. Hiện, sản phẩm thổ cẩm Chăm có khác hơn trước nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống".
Sau đây là ghi nhận một số hình ảnh tồn tại duy nhất của làng nghề dệt thổ cẩm Chăm ở An Giang:
Cơ sở dệt thổ cẩm của ông Mohamad thu hút du khách vì giữ được nét đẹp truyền thống văn hóa của người Chăm
Du khách thích thú với các sản phẩm thổ cẩm và chụp ảnh lưu niệm
Nghề dệt thổ cẩm Chăm truyền thống gìn giữ và kế thừa những nét đẹp tinh hoa của dân tộc
Công đoạn sau khi suốt tơ vào ống
Công đoạn dệt thành tấm vải
Một số sản phẩm của cơ sở dệt thổ cẩm Chăm
Các sản phẩm dệt bằng thủ công nên rất tinh xảo và chất lượng
Du khách thích thú với các sản phẩm thổ cẩm và chụp ảnh lưu niệm người Chăm
Khi đến với làng nghề dệt thổ cẩm Chăm, du khách được chứng kiến cảnh dệt của phụ nữ Chăm ở đây
Phụ nữ Chăm bên khung dệt vải
Ông Mohamad khoe nhờ giữ làng nghề truyền thống nên được đi Hà Nội dự họp mặt biểu dương và chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng