Các cơ sở chuyên sản xuất dụng cụ đánh bắt thủy sản cặp Quốc lộ 80 (thuộc xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), thời điểm này, các công nhân đang tất bật sản xuất nhiều sản phẩm để kịp cung cấp ra thị trường. Theo các chủ cơ sở ở đây, các sản phẩm như lưới, dớn, lú,… sản xuất tăng gấp đôi so với ngày thường.
Hiện, cơ sở sản xuất lưới của anh Ngô Phúc Lộc có khoảng 40 nhân công làm việc tại cơ sở và lãnh sản phẩm về nhà làm gia công đang đẩy nhanh tiến độ sản xuất để kịp phục vụ thị trường trong mùa nước nổi. Theo anh Lộc, mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất ra hàng trăm tay lưới, giải quyết cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương với thu nhập từ 150.000 đồng/người/ngày trở lên. Sau khi thành phẩm, mỗi tay lưới có giá từ 120.000-200.000 đồng.
Ở xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có làng nghề đan lọp cua tồn tại từ nhiều năm nay. Nơi đây, có gần 100 hộ theo nghề đan lọp cua sản xuất quanh năm với hàng trăm lao động nhàn rỗi tham gia. Lọp cua làm ra được đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp và xuất sang nước bạn Campuchia.
Ông Trương Thanh Hùng, ngụ ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, đã gắn bó với nghề làm lọp cua hơn 10 năm, cho biết trong mùa lũ, ông dự kiến cung ứng ra thị trường trên 1.000 cái lọp. Đây là việc làm quanh năm của gia đình ông. Tuy nhiên, vào mùa nước lũ, công việc làm lọp cua tại gia đình càng nhộn nhịp hơn, hiệu suất làm việc tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Đang ngồi chẻ tre để đan lọp cua, bà Huỳnh Thị Nga, ngụ ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, nói: "Tôi làm lọp cua mất nhiều công đoạn nên mỗi người chỉ làm được khoảng 3-4 cái lọp/ngày. Giá lọp cua từ 28.000-30.000 đồng/cái, sau trừ đi chi phí, người sản xuất lời từ 10.000-15.000 đồng/cái".
Sau đây là những hình ảnh về các làng nghề hoạt động sản xuất ngư cụ phục vụ mùa lũ lớn: