Trường sư phạm loay hoay vì có ngành chỉ… 1 thí sinh đăng ký

Thứ năm, 16 Tháng 8 2018 15:33 (GMT+7)
Mặc dù đã có nhiều biện pháp cải thiện, nhưng nhiều trường sư phạm cũng rơi vào tình cảnh “thảm hại” không kém gì các trường khối nông – lâm nghiệp khi phải tìm cách để “đuổi” thí sinh trúng tuyển hoặc “cắn răng” mở lớp dạy… 1 sinh viên.

Tính tới thời điểm này, tất cả các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã công bố điểm chuẩn tuyển sinh. CĐ Sư Phạm Gia Lai gây bất ngờ với việc lấy tới 23 điểm cho ngành sư phạm ngữ văn, cao bất thường so với các ngành khác trong trường. Trong khi đó, đây không phải là ngành “nóng” của trường, các năm trước điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức điểm sàn. Dư luận chưa kịp vui mừng vì đầu vào của ngành sư phạm lấy điểm cao thì đại diện nhà trường cho biết ngành sư phạm ngữ văn chỉ có duy nhất một thí sinh đăng ký, hơn nữa lại là nguyện vọng 1.

truong su pham loay hoay vi co nganh chi… 1 thi sinh dang ky hinh anh 1

Thí sinh tham gia dự thi THPT Quốc gia năm 2018.   Ảnh: V.P

Thí sinh này đạt điểm thi 22,5 điểm. Nếu nhà trường đặt mức tuyển sinh ở mức 15 điểm thì chắc chắn thí sinh này sẽ trúng tuyển. Do đó, nhà trường buộc phải đưa ra mức điểm chuẩn tuyển sinh là 23 điểm để đánh trượt thí sinh này bởi không thể bố trí được giáo viên, tổ chức mở lớp… để phục vụ 1 sinh viên.

Tương tự, CĐ Sư phạm Nghệ An cũng đặt điểm chuẩn các ngành sư phạm toán, sinh học và ngữ văn ở mức cao là 20 điểm. Dĩ nhiên với mức điểm này, trường không tuyển được bất kỳ thí sinh nào. Lãnh đạo nhà trường cho hay các ngành trên buộc phải nâng điểm chuẩn vì chỉ có một vài em đăng ký và ở thứ tự nguyện vọng khá xa. Nhà trường cũng đã xét tuyển thêm hình thức học bạ nhưng xác định rằng không thể tuyển thêm thí sinh.

Với trường hợp ĐH Hồng Đức – Thanh Hóa thì khác, chương trình đào tạo sư phạm chất lượng cao chỉ mới tuyển được 1 sinh viên cho ngành toán, ngành lý hiện tại chưa có sinh viên nào.

Ông Hoàng Dũng Sỹ – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hồng Đức cho biết chủ trương của nhà trường là dù có 1 sinh viên thì cũng sẽ mở lớp để phục vụ cho đề án đào tạo chất lượng cao do tỉnh Thanh Hóa “đặt hàng”.

“Thực ra việc tuyển sinh khó khăn là bởi vì yêu cầu đầu vào của đề án khá cao, ở mức 24 điểm trở lên, không có môn nào dưới 5 và môn chủ chốt của ngành phải đạt 8 điểm trở lên hoặc ứng viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT. Vì đề thi năm nay tương đối khó, nên việc các thí sinh nộp nguyện vọng vào không đạt yêu cầu là có thể hiểu được” – ông Sỹ chia sẻ thêm.

Theo lãnh đạo Trường ĐH Hồng Đức, việc mở lớp khi chỉ có một sinh viên cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn về giờ giấc, cơ sở vật chất, thời gian, đặc biệt việc làm việc nhóm, chia nhóm làm việc sẽ gặp khó khăn nhất… Tuy nhiên bên cạnh đó, vì chương trình đào tạo chỉ bổ sung thêm các môn như tin học, ngoại ngữ… nên việc học các học phần bình thường vẫn có thể sắp xếp cho sinh viên này học cùng với các lớp sư phạm đại trà khác.

Được biết, các thí sinh trúng tuyển chương trình đào tạo chất lượng cao này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi của nhà trường như giảm học phí, không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào khác. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa sẽ đảm bảo về đầu ra, nhận các sinh viên tốt nghiệp bằng khá trở lên vào làm trong các cơ quan giáo dục của tỉnh.

Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, quyết định của Trường ĐH Hồng Đức là rất đáng khuyến khích. Đây là một hành động cần thiết để xây dựng thương hiệu của chương trình đào tạo nói riêng và nhà trường nói chung. Đặc biệt, ông Nhĩ nhấn mạnh đối với ngành sư phạm thì nên chọn những thí sinh có chất lượng, đào tạo để trở thành những người thầy có chất lượng.

Nguồn: Việt Phương - (danviet.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Trường trung cấp - CĐ - ĐH...